NHỮNG LÀN SÓNG
NGƯỜI VIỆT ÐỊNH CƯ TẠI HOA KỲ
So
với người Trung Hoa, Nhật Bản, Phi Luật Tân và các sắc dân Á Châu khác
hiện đã và đang sinh sống tại Hoa Kỳ thì người Việt Nam chúng ta di cư đến
Hoa Kỳ rất muộn. Trước ngày Miền Nam Việt Nam bị Cộng sản Miền Bắc lấn
chiếm 30 tháng Tư năm 1975, người Việt sống tại Hoa Kỳ ước chừng 25,000
người. Số người Việt định cư này bao gồm sinh viên du học, những nhà ngoại
giao, những chuyên viên kỹ thuật, những người lấy chồng Mỹ hay những người
Việt ở các nước khác đến Hoa Kỳ vì nhiều lý do và mục đích khác nhau.
Nhưng sau biến cố lịch sử 30 tháng Tư năm 1975, con số người Việt nhập cư
vào Hoa Kỳ gia tăng đáng kể. Dưới thời Tổng Thống Gerald Ford, trong cuộc
di tản mùa Xuân năm 1975 làn sóng người Việt đầu tiên phỏng chừng 128,000
được thu nhận định cư tại Hoa Kỳ với tư cách là những người tị nạn. Phần
đông số người Việt này trốn chạy chính quyền Cộng sản từ Miền Nam Việt
Nam. Và cũng trong năm 1975, Quốc hội Hoa Kỳ ban hành đạo luật “Chương
Trình Trợ Giúp Người Tị Nạn Ðông Dương” (Indochina Refugee Assistance
Program) bao gồm ba nước Việt-Miên-Lào.
Sau khi ban hành đạo luật giúp dân tị nạn Ðông dương, chính phủ Hoa Kỳ lúc
ấy nghĩ rằng đây là đợt nhập cư đầu tiên và cuối cùng của người tị nạn
Ðông Dương nói chung và người Việt Nam nói riêng. Không ngờ, trong những
năm kế tiếp những làn sóng người Việt tiếp tục đổ vào Hoa kỳ đáng kể nhất
là đợt người Việt gốc Hoa do chính quyền Cộng sản tổ chức dưới chiêu bài
“ra đi bán chính thức” từ tháng Chín năm 1978 đến 20 tháng Bảy năm 1979.
Theo con số thống kê, làn sóng thứ hai của người Việt nhập cư vào Hoa kỳ
lần này lên đến gần 170,000 người. Song song với những người ra đi bán
chính thức, đa số người Việt Nam không thích hợp với hoàn cảnh chính trị
tại quê nhà, họ dùng những con thuyền mong manh trước sóng gió đại dương
bao la, bất chấp những hiểm nguy đang chờ họ trên biển cả, họ vượt biên
đến những quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Hồng Kông, Ðài Loan, Phi Luật Tân,
Nam Dương, Mã Lai, Singapore, Thái Lan ... tạm cư và chờ đợi được định cư
tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác; hay những cuộc vượt biên bằng đường bộ
xuyên qua lãnh thổ Kampuchia hay Lào để vào đất Thái.
Dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Ðạo Luật
Tị Nạn (Refugee Act of 1980). Theo tinh thần đạo luật này một số cơ cấu an
sinh xã hội được thiết lập hầu trợ giúp định cư người tị nạn trong một
thời gian liên tục và khá lâu mà người Việt chúng ta thường gọi là
Welfare. Cũng chính đạo luật này đã buộc Hoa kỳ phải xem xét lại việc định
cư những người tị nạn trên khắp thế giới đến Hoa kỳ như là một chính sách
với ngân sách trợ giúp hằng năm một cách rõ ràng. Theo Văn Phòng Kiểm Tra
Dân Số Hoa Kỳ, tính đến cuối năm 1980, người Việt tị nạn định cư tại Hoa
kỳ ước chừng 300,000 người.
Sau khi tổ chức Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cấm Cộng sản Việt Nam xuất
khẩu người họp tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 20 tháng Bảy năm 1979, nhưng trong
thập niên 80, người Việt vẫn tiếp tục chạy trốn chế độ Cộng sản bằng
thuyền. Nhưng vào những năm cuối thập niên này, nhận thấy những thuyền
nhân này rời Việt Nam dưới dạng kinh tế hơn chính trị hay tôn giáo, các
quốc gia cho thuyền nhân tạm cư đã phối hợp với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp
Quốc ban hành Chương Trình Hành Ðộng Toàn Diện (Comprehensive Plan of
Action) mà chúng ta hiểu nôm na là Chương Trình Thanh Lọc vào tháng Ba năm
1989 mà Hồng Kông là nước đầu tiên áp dụng chương trình thanh lọc này. Qua
chương trình thanh lọc, cơ may cho người Việt định cư tại Hoa kỳ đã giảm
sút đáng kể.
Người Mỹ tham chiến tại Việt Nam hơn hai mươi năm và sau hiệp định Paris
ký kết ngày 27 tháng Giêng năm 1973 chấm dứt chiến tranh Việt Nam, họ để
lại một số trẻ em lai khá đông. Phần đông các em lai có cha là người Mỹ
nhưng sau khi được định cư tại Hoa Kỳ, các em lai này ít có cơ may đoàn tụ
với những người cha viễn chinh này. Làn sóng thứ ba người Việt nhập cư vào
Hoa Kỳ tương đối khá đông qua Chương Trình Trẻ Em Lai Mỹ (Amerasian
Homecoming Program). Ðạo Luật Trẻ Em Lai Mỹ (Amerasian Homecoming Act)
được ban hành năm 1987 và chuyến bay đầu tiên chở các em lai Mỹ bắt đầu từ
năm 1988. Các Em Lai Mỹ định cư tại Hoa Kỳ dưới dạng di dân (immigrant)
nhưng được hưởng những phúc lợi của người tị nạn (refugee). Theo thống kê
của Văn Phòng Ðịnh Cư Tị Nạn, có chừng 75,000 trẻ lai Mỹ và thân nhân được
định cư tại Hoa Kỳ kể từ 1988 - 2002. Chương Trình Trẻ Em Lai Mỹ đến nay
vẫn còn mở rộng để giúp các em và thân nhân không có cơ hội hay không biết
tiến hành thủ tục xin định cư.
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, quân cán chính Miền Nam Việt Nam đều bị đưa
vào các trại tập trung cải tạo trên khắp miền Nam và miền Bắc nhất là
những sĩ quan trong quân lực VNCH. Sau khi đạt thỏa hiệp và cam kết với
chính phủ Hoa Kỳ, năm 1989 chính quyền Cộng sản Việt Nam cho phép các cựu
tù nhân chính trị sang định cư tại Hoa Kỳ trong Chương Trình Tái Ðịnh Cư
Các Cựu Tù Nhân Chính Trị (The Special Released Re-Education Center
Detainee Resettlement Program) mà chúng ta thường gọi là chương trình HO.
Ðây là làn sóng thứ tư có số tị nạn định cư khá cao tại Hoa Kỳ. Các cựu tù
nhân chính trị và thân nhân của họ kể cả những người đi theo diện tị nạn
trong Chương Trình Tu Chính Aùn McCain (McCain Amendment Program) định cư
tại Hoa Kỳ từ 1989 - 2002 lên đến hơn 210,000 người.
Làn sóng nhập cư thứ năm của người Việt và cũng là làn sóng cuối cùng tính
đến hôm nay là số người trở về Việt Nam từ trại tị nạn các nước nhất là
các nước trong vùng Ðông Nam Á sau khi không được hưởng qui chế tị nạn qua
chương trình thanh lọc thuyền nhân năm 1989. Họ được thâu nhận định cư tại
Hoa Kỳ trong chương trình Cơ Hội Tái Ðịnh Cư Người Việt Hồi Hương
(Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees) mà chúng ta thường gọi
là chương trình ROVR. Chương trình này bắt đầu từ cuối năm 1996 và tính
cho đến hôm nay số người định cư với thân nhân của họ tại Hoa Kỳ khoảng
chừng 41,540 người. Và có khoảng 5,500 người Việt nhập cư vào Hoa Kỳ theo
diện làm cho các cơ quan Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Trên
đây chúng tôi trình bày con số thống kê dành cho những làn sóng người định
cư tại Hoa Kỳ theo diện tị nạn. Tổng số người Việt Nam tị nạn tại Hoa Kỳ
tính đến hôm nay trên dưới 650,000 người.
Ngoài những làn sóng người Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ nói trên, chúng ta
không quên kể đến những người rời Việt Nam đến định cư trong Chương Trình
Ra Ði Trật Tự (Orderly Departure Program) mà chúng ta thường gọi là ODP do
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1979. Phần đông họ là những di
dân. Họ đến Hoa Kỳ theo thứ tự ưu tiên theo từng diện bảo lãnh. Thành phần
di dân này khá đông. Kể từ năm 1979 đến nay, có trên 300,000 người định cư
tại Hoa Kỳ theo diện ODP.
Nói tóm lại, nếu kể số người Việt định cư trước 1975 và số người Việt Nam
sinh đẻ tại Hoa Kỳ thì tổng số người Việt Nam sinh sống tại Mỹ hơn một
triệu người. Thật vậy, không có con số thống kê nào thật chính xác về
người Việt Nam tại Hoa Kỳ vì có nhiều người không tham gia vào công cuộc
kiểm tra dân số do chính phủ Hoa Kỳ phát động vì trở ngại ngôn ngữ hay họ
không hiểu được tầm quan trọng của cuộc kiểm tra.
Sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001, vì vấn đề an ninh quốc gia,
chính phủ Hoa Kỳ đã giảm số nhập cư theo diện tị nạn trên toàn thế giới
vào Hoa Kỳ. Chẳng hạn như chỉ số nhập cư cho tài khóa năm 2002 là 70,000
người, nhưng chỉ có hơn 25,000 người được định cư và trong tài khóa 2003,
chỉ có hơn 27,000 người tị nạn cho dù chỉ số nhập cư cũng 70,000 người.
Trong hai năm qua, số người tị nạn Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ rất khiêm
tốn.
Trở lại vấn đề người Việt nhập cư vào Hoa Kỳ, cho đến hôm nay số người ra
đi theo chương trình ODP vẫn được tiếp tục. Chương trình Trẻ Em Lai Mỹ,
chương trình Tu Chính Án McCain dành cho các con của các cựu tù nhân vẫn
được tiến hành nhưng ở tiến độ rất chậm.
Về vấn đề xin nhập tịch công dân Hoa Kỳ miễn thi cho các Trẻ Em Lai Mỹ,
hiện nay Quốc hội Hoa Kỳ đang thảo luận dự luật này nhưng muốn có được kết
quả mong muốn thì chính các Em Trẻ Lai Mỹ và thân nhân của họ phải viết
thư thỉnh nguyện cho các vị dân cử địa phương nhất là các Thượng nghị sĩ
và Dân biểu liên bang yêu cầu họ giúp đỡ thì dự luật có cơ may thành hình.
Chúng tôi cố gắng cập nhật vấn đề di trú để kịp thời thông báo cho quí vị
theo dõi những thông tin mới nhất trên trang mạng vi tính này.
Phan Ðức Thông