Trang Thơ & Truyện: Nguyễn Xuân Hoàng              |                 www.ninh-hoa.com

NGUYỄN XUÂN HOÀNG
Bút danh: TRÍ ĐỨC

 

Quê quán:

Xóm Rượu, Ninh Hòa

 

Cựu học sinh
Trường Tiểu học Đức Trí và Trung học Trần Bình Trọng Ninh Hòa, NK 1976-1979
 

 

 

Hiện cư ngụ tại
Tiểu bang Minnesota, USA

 


 

 

 

 

 

 

TÌM HIỂU
CÁCH THỨC NUÔI ONG MẬT

Nguyễn Xuân Hoàng

 

PHẦN 2:

 

Đóng Thùng Và Khung:

Tôi đi đến xưởng cưa súc tại Thuận-Mỹ lựa đủ loại gỗ để đóng thùng nuôi ong, rồi sẵn ghé vào tiệm mua một ít đinh hai phân và một số ván ép cộng thêm một số nẹp sao cho đủ đóng vài thùng lúc ban đầu, dùng cưa xả hết những mặt ván ép theo kích thước để đóng thùng, cưa nẹp để đóng khung và cưa những thứ gỗ khác để đóng trụ, và đóng riềng hoàn tất khi trời vừa sụp tối.

Thùng nuôi ong có dạng hình chữ nhật chiều dài 4 tấc 5 phân rưỡi; chiều rộng 3 tấc 9 phân rưỡi; chiều cao 3 tấc 8 phân; còn cái nắp ta cưa rộng xung quanh hơn cái thùng hai phân để đóng riềng xung quanh vừa đậy lọt lòng; chiều cao của riềng cỡ một phân rưỡi; còn cái "đít thùng" ta cưa sao cho nó bằng hai cạnh hai bên tức chiều ngang của thùng và cạnh mặt sau bằng phẳng với nhau, nhưng mặt trước rộng hơn 6 phân để ong ra vô chuẩn bị bay đi và đáp về tựa như sân bay; nhớ là miếng ván mặt trước của thùng ta cưa nó ra làm đôi để làm cánh cửa, cắt hai miếng cao su đóng hai bên của miếng ván cưa đôi dính lại để làm bản lề dở lên dở xuống nhìn sự sinh hoạt của đàn ong.

Ngay cánh cửa ta khoan mười lỗ cỡ bằng cây viết chì một lỗ cách nhau hai phân ở trên nắp cửa một hàng cách đáy thùng 1 phân; bây giờ tới hai miếng hai bên hông của thùng tức chiều rộng ta cưa hai cửa sổ cũng hình chữ nhật, và nhớ chia đều ở giữa, cách cái nắp trở xuống 7 phân tức cạnh ngang mặt trên của thùng, chiều dài của khung cửa sổ là 9 phân; chiều rộng 7 phân; và cắt một miếng lưới ruồi dùng nẹp đóng bốn mặt, và nhớ nẹp và lưới nằm ở mặt ngoài, cây nẹp chiều ngang 1 phân đóng trên miếng lưới xung quanh cửa sổ. Bây giờ tới phần trong của thùng ta cưa bốn cây trụ vuông góc 1 phân rưỡi, chiều cao thấp hơn chiều cao của thùng là 4 phân, đóng bốn góc để cho bốn miếng ván của thùng dính lại thành hình chữ nhật, mặt trước ta nhớ chỉ đóng miếng trên còn miếng dưới để làm cái cửa ta có thể mở được. Trên đỉnh bốn cái trụ ở trong thùng ta đóng một cây ngang để bắc mười khung theo chiều dài, cây ngang ta đóng qua theo chiều rộng, cây ngang cần gỗ rất chắc bởi vì mật ong rất nặng, chiều cao của cây ngang một phân; chiều ngang của cây ngang 1 phân rưỡi bằng cây trụ như vậy ta đã hoàn tất cái thùng.


Bây giờ ta đóng khung. Khung là miếng sáp ong nằm trọn trong đó để ta dở lên ta coi hoặc khi ta lấy mật. Và cây gỗ luôn luôn đều với nhau và "luôn có chiều cao 8 mm". Chiều dài của khung cụt hơn chiều dài của thùng 1 phân tính mặt bên trong của thùng, chiều ngang của cây gỗ 3 phân rưỡi; chiều dài cây dưới của khung cụt hơn chiều dài cây trên 2 phân; chiều cao của khung 19 phân rưỡi rồi cách 8 phân ta vạt xuyên góc một bên nửa phân (8 phân trở lên là phần mật và phấn sáp nó dày hơn, 8 phân đổ xuống là đẻ trứng nuôi con) như vậy chiều ngang của cây dưới là 2 phân rưỡi. Khi ta đóng hai cây chiều cao sao cho hai cạnh hai bên bằng với hai cạnh chiều dài của cây dưới, rồi chia đều chiều dài của cây trên đóng vào thành cái khung. Khi xong cái khung ta chia đều chiều cao khoan hai lỗ bằng cọng dây thép rồi xỏ dây thép từ lỗ trên bên này qua lỗ trên bên kia và lỗ dưới theo lỗ dưới để cho nó giữ miếng sáp khỏi gãy mà con ong đã làm miếng sáp băng qua chính giữa cọng dây thép đó. Thế thì ta đã hoàn thành thùng và khung.  

Cách Lấy Mật: 

* Muốn lấy mật ong ta có ba cách lấy.

(1) Thường thì mật ong nằm phần trên còn phần dưới là phấn ong và phần chót cùng là đẻ trứng nuôi con. Trước khi ta quay mật ta phải gỡ cái mày ra bằng cây tăm hoặc lấy cái bót đánh răng hay con dao lướt nhẹ trên mặt cho nó tróc cái mày ra. Ta làm một cái thùng quay ly-tâm có đáy hình phễu và một cái lỗ bên cạnh thùng cho mật chảy ra. Khi quay ta dùng nút nhét lỗ đó lại.

Chính giữa đáy thùng có một ổ bi để ta thọc cái cây quay vào tâm của nó, trên cái cây quay ta độ khoảng giữa nằm lọt trong thùng, hàn một cái khung bằng nhôm hoặc sắt rộng hơn cái khung sáp một ít để ta có thể bỏ lọt lòng cái khung mật và hàn hai cây mặt trước để chận khung lại, và trên mặt của khung gần tay cầm có một miếng sắt chiều rộng cỡ 3 phân, chiều dài thì dài hơn đường kính của thùng và mỗi đầu dư ra cỡ 4 phân để bẻ vuông góc với cạnh thùng và khoan hai lỗ bắt ốc lại, nhớ chính giữa miếng sắt ta khoan một lỗ để đút lọt lòng tay quay (sắt hoặc nhôm để làm cây quay có đường kính 1 phân và sắt "nhôm" làm khung quay cỡ đầu đũa).

(2) Cách thứ hai ta có thể cắt lấy phần mật rồi ong thợ tự làm lại phần mật khác trong một thời gian (nhưng ong làm rất nhanh nội trong một ngày ta cắt), là bởi vì 3 kí mật làm được 1 kí sáp.

(3) Còn cách thứ ba là ta có thể đóng cái thùng cao gấp đôi để bỏ hai tầng khung, giàn khung trên hoàn toàn là mật nhưng chính giữa hai tầng khung ta có ngăn một miếng gỗ hoặc lưới và khoan lỗ vừa đủ cho ong thợ chui qua thôi, không cho ong Chúa qua được vì con ong Chúa lớn hơn ong thợ (nếu ong Chúa chui qua nó sẽ đẻ trong đó) nhớ phải khoan cho khéo và dùng loại lưới ruồi bằng nhôm chứ không được bằng nhựa vì nhựa ong thợ sẽ phá rộng ra ong Chúa sẽ qua được. Hiện nay người ta làm ra sáp nhân tạo và gây trứng chúa nhân tạo (có nghĩa là người ta chế ra một dãy toàn là trứng Chúa rồi con Chúa tưởng do ong thợ làm rồi đẻ vào, kế đến ong thợ lại thấy có trứng trong đó nên kiếm mật về nuôi trứng, rồi kế tiếp ong xây tổ thấy vậy cũng xây tổ tiếp tục để nuôi con, người ta còn làm nguyên cả một khung sáp để ong bỏ mật vào) để lấy sữa ong chúa và mật tiết trinh sử dụng cho mỹ phẩm và làm tá dược,.v.v... Và nếu sợ ong chích ta có thể may một bộ đồ để bảo vệ.  

Nên nhớ rằng ong mật là loài sống liên kết với nhau, con thợ đẻ ra con Đực, con Chúa đẻ ra con thợ.
Con ong thợ có màu sắc vàng sậm lốm đốm viền đen và năm con mắt, hai con bự nằm hai bên đầu và ba con nhỏ nằm thành hình tam giác cân trên trán cộng với hai chân sau của nó có 2 túi để đựng phấn hoa, Ong thợ cũng là ong cái nhưng chỉ đẻ được ong đực mà thôi. Ong thợ chia ra thành năm thành phần khác nhau như giữ cửa (bảo vệ), quét dọn, lấy phấn mật, ấp trứng (giữ nhiệt độ) và xây tổ. Cuộc đời của ong thợ chỉ sống được 45 ngày nếu nó đi làm gần nhưng nếu đi làm xa thì nó sẽ chết sớm hơn 5 hoặc 10 ngày tức là nó chỉ còn sống được 35 tới 40 ngày. Đường kính làm việc của ong thợ là 5 cây số trong đó tâm điểm là cái ổ, còn nếu mật hiếm hoi nó đi làm xa hơn. Một khi con chúa chết bất đắc kỳ tử thì nó liền xây ổ Chúa khẩn cấp bằng cách trứng Chúa đẻ vẫn còn ở trong lỗ ong thợ nó liền sửa lỗ thợ thành lỗ ong Chúa cấp bách, và đẻ trứng ong đực cùng một lúc (điều đáng lưu ý là trứng của con chúa đẻ vào lỗ thợ sanh con thợ, đẻ vào lỗ chúa sanh con Chúa).

 

Lỗ ong thợ thường thì nhỏ bằng đầu đũa, có hình lục giác và mỏng, còn lỗ ong Chúa thì bự bằng cỡ ngón tay tình kề ngón út và dài có hình giống như trứng hột gà. Vỏ thì rất dày, bề ngoài nhìn có hình thù bóng loáng chút chút và lốm đốm những chấm như kim chích xung quanh. Còn lỗ ong đực hình gống như lỗ ong thợ nhưng lớn hơn cỡ 1/4 lỗ ong thợ và được nằm dưới phần phấn hoa. Thân hình ong đực hoàn toàn màu đen chẳng biết làm gì hết mà chỉ biết động đực mà thôi. Khi động đực xong thì nó sẽ chết và số còn lại sẽ bị diệt chủng hoặc bị ong thợ đuổi ra khỏi tổ ong. Còn ong chúa thân hình rất dài, to lớn gấp đôi con ong thợ có màu vàng nhung óng ánh, thân hình phủ một bộ lông nhung, nhưng đặc biệt cái đít rất dài hơi chuyển lượng màu xanh vàng đen, nó là một con ong cái đặc biệt để gây giống nòi cho đàn ong và trong một ngày con chúa đẻ vào khoảng 2,500 trứng và đẻ ra ong thợ và ong Chúa. Thật sự thì những trứng chúa nằm xung quanh riềng mép của miếng sáp, khi tới thời kỳ sanh sản con Chúa cũng là thời kỳ đàn ong rất sung túc đông nghẹt thì nó mới xây trứng Chúa vào mùa hè, và trong vòng 16 ngày thì nở ra con Chúa, trong khi ong thợ khoảng 21 ngày mới nở. 

Khi con ong thợ thấy đã hình thành con ong thì nó trám cái mày lại, khi mà ong con cứng cỏi nở ra nó tự cắn cái mày chui ra và những con ong thợ liền cho nó ăn hoặc nó tự bò lên đi tìm phấn mật để ăn. Ong thợ cho trứng Chúa ăn một loại mật rất đặc biệt gọi là mật tiết trinh, sữa Ong chúa khi ta nhìn nó có màu xanh xanh trắng trắng giống hệt như bơ và con Chúa sống 5 năm, khi con Chúa mới vừa nở ra thì nó tự đi tìm những trứng Chúa chưa nở hủy diệt, nếu hai con Chúa nở cùng lúc thì nó sẽ sống chết tranh nhau để làm Chúa cho tổ Ong đó, còn nếu thùng ong quá đông thì ong thợ liền cản sự giết chết lẫn nhau và tạo ra một biến cố rẽ đàn, nếu tổ Ong đó rẽ thành ba đàn thì cái đợt đầu tiên Ong thợ tìm cách lùa cho con Chúa già đi theo một nhóm trước, kế tiếp thì con chúa non tẻ ra một nhóm thứ hai, phần còn lại thì ong thợ để cho con chúa thứ ba nở ra ở lại. Khi chúng có con Chúa mới tẻ ra khỏi ổ thì cái số ong thợ đã rời khỏi ổ sẽ vĩnh viễn theo đàn mới của họ (Chúa mới) và không bao giờ trở về lại ổ cũ. Chỉ cách nhau vài tiếng đồng hồ sau khi rẽ ra nếu hai bên gặp lại nhau sẽ cắn lộn và chích tả tơi; cả hai bên đều chết hết cả trong chốc lát ta không thể nào can ngăn đựợc đành chịu buông xuôi mà thôi. Như vậy khi ta nuôi nó ta biết con Chúa non sắp nở, ta chờ tới trời sắp tối thì ta rẽ con Chúa già đi trước qua thùng mới, một thùng ta có mười khung thì ta chia đều mỗi bên năm khung và luôn nhớ rằng bên thùng ta rẽ đã có con chúa rồi thì ta tìm những trứng chúa ngắt hết ra và nếu có trứng nào hồng hồng thiệt to hơn những trứng khác thì ta cắt cho nó hơi dư miếng sáp một ít để ta tìm một chỗ nào thuận tiện của cái ổ "cũ" không chúa ta kẹp vào giữa hai cái khung cho con ong thợ hàn gắn sáp trở lại và nuôi nấng nó tới khi nở, còn những trứng còn lại ta ngắt bỏ đi (chỉ lựa một trứng lớn để lại) đó là con chúa vô cùng mạnh.

Con Chúa nở trước sẽ đi tìm những trứng còn lại giết hết, nhưng mà khi tổ ong tới ngày sinh sản trứng Chúa nó sẽ có cỡ mười trứng Chúa hoặc hơn và nó chỉ xê dịch chút đỉnh không lớn lắm và cũng không nhỏ lắm. Khi ta rẽ ra thùng mới thì ta đặt kề thùng cũ hoặc chồng lên mặt để cho giữa hai thùng nó thuận tiện qua lại với nhau giống như một nhà, vì khi ta làm vậy nó vẫn còn giữ được nguồn gốc của nó hai ổ rồi bốn ổ, rồi sáu ổ,.v.v...bởi vì những con ong bay đi và bay về đều qua miệng hang của ong giữ cửa thì nó sẽ ngửi hoặc liếm qua cái lưỡi của nó thì nó biết lạ hay quen và nếu khoảng cách lâu không liếm với nhau nó sẽ xem như xa lạ và cắn chết tại chỗ rồi những con Ong quét dọn sẽ gắp bay đi liệng cách xa ổ.

 

 

Đọc PHẦN 3:


 

  

 

Trí Đức
NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Minnesota, tháng 05/2014

 

 

 

 

 

 

 

            

 

Trang Thơ & Truyện: Nguyễn Xuân Hoàng               |                 www.ninh-hoa.com