www.ninh-hoa.com



 

Trở về d_bb  ĐHKH

 

Trở về Trang Tác Giả

 

 

 LIÊU TRAI CD

Giáo Sư
Đ
àm Quang Hưng 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trở về Trang Tác Giả

 

 

 

Main Menu

 
 

 


Tuyển Tập:


 
LIÊU TRAI C D

GS Đàm Quang Hưng

Giáo Sư Toán
Trường Đại Học Cộng Đồng Houston, Texas

 

 

 

 

036. DIỆP SINH
 

Ân thâm tri kỷ úy bình sinh

Hồn mộng tương tùy thiên lý hành

Mạc đạo hoàng chung chung hủy khí

Tu tri nhụ tử dĩ thành danh

 

   

 

036. HỌC TÀI THI PHẬN
        

          Huyện Hoài Dương, tỉnh Hà Nam có nho sinh Diệp Tuấn Bình, có vợ họ Hạnh và một trai tên Mạnh Hùng, 12 tuổi. Tuấn Bình nổi tiếng là đệ nhất danh sĩ trong vùng, văn chương quán tuyệt đương thời, nhưng cứ đi thi là hỏng.

 

Thời đó, quan tể huyện Hoài Dương là Đinh Thừa Hạc, có một trai tên Tại Xương, 16 tuổi. Thấy Tuấn Bình có văn tài kỳ tuyệt, Đinh công cho gọi vào huyện đường đàm đạo. Thấy Tuấn Bình có tư tưởng uẩn súc, Đinh công quý trọng lắm, bảo dọn vào cư ngụ ở thư phòng huyện đường mà đọc sách cho tĩnh. Đinh công lại sai lính đem tiền bạc, thóc gạo ra tận nhà mà chu cấp cho vợ con Tuấn Bình.

 

Mùa thu năm ấy, triều đình mở khoa thi hương ở Hà Nam. Đinh công tin chắc thế nào kỳ này Tuấn Bình cũng đậu giải nguyên. Nhân có quan học sứ tới thăm, Đinh công đem văn chương của Tuấn Bình ra bàn luận, tấm tắc khen hay. Đến ngày thi, khi Tuấn Bình đi thi về, Đinh công bảo đưa văn bài cho mình coi, rồi lại tấm tắc khen. Thế nhưng, vận số cản người, văn chương ghét mệnh. Cũng như những lần trước, đến ngày yết bảng đậu, thấy không có tên mình, Tuấn Bình ngậm ngùi ra về, buồn bã vì hỏng thi, hổ thẹn vì phụ lòng tin tưởng của người tri kỷ. 

 

Thấy Tuấn Bình tiều tụy ngơ ngác, Đinh công bèn gọi lên vỗ về an ủi. Tuấn Bình chỉ im lặng mà ứa nước mắt, không nói một lời. 

 

Tháng sau, Đinh công nhận được lệnh triều đình thuyên chuyển về kinh đô, bèn bảo Tuấn Bình dọn nhà theo gia quyến mình. Vì không muốn làm phiền Đinh công nữa, Tuấn Bình từ tạ, xin dọn về ở với vợ con. Từ đó, suốt ngày Tuấn Bình chỉ nằm nhà, không muốn đi đâu, không muốn gặp ai. Phẫn chí uất kết, Tuấn Bình phát bệnh, phải nằm liệt giường. Được tin, Đinh công vội viết thư thăm hỏi rồi sai người đem quà tới biếu, mời thầy lang tới tận nhà xem mạch, hốt thuốc cho. Thế nhưng, bệnh tình của Tuấn Bình c mỗi ngày một thêm trầm trọng.  

 

Sắp lên đường về kinh đô thì Đinh công vướng vào vụ tranh cãi với một vị thượng  quan, nên bị vị này dâng sớ kể tội, rồi bị triều đình bãi chức. Bàn giao chức vụ xong, Đinh công toan đưa gia quyến về quê, nhưng khi nghĩ đến Tuấn Bình đang lâm trọng bệnh, không kẻ tri kỷ gần kề, Đinh công bèn đổi ý, đưa gia quyến ra khu chợ Hoài Dương thuê nhà cư ngụ, quyết ở nán lại Hoài Dương, chờ Tuấn Bình khỏi bệnh để mời Tuấn Bình cùng dọn nhà về quê mình cư ngụ.

 

Đinh công bèn viết một lá thư, đại ý như sau:"Bản nhân toan đưa gia quyến về quê nhưng lại lo cho bệnh tình của túc hạ nên đã quyết lưu lại Hoài Dương thêm ít lâu. Mong túc hạ chóng bình phục để về tệ quán cư ngụ, dùi mài kinh sử, đợi chờ khoa sau. Ngày nào túc hạ bình phục, tới được tệ xá thì ngày ấy bản nhân sẽ cho gia quyến khởi hành ngay!" Rồi Đinh công sai gia nhân đưa thư tới tận giường bệnh mà trao cho Tuấn Bình. Đọc thư xong, Tuấn Bình ứa nước mắt, thều thào nói với người đưa thư:"Làm ơn về trình lại với phu tử rằng bản nhân bị bệnh nặng, không thể cầm bút phúc thư được. Vậy xin phu tử cùng bảo quyến cứ về quý quán trước. Chừng nào khỏi bệnh, bản nhân sẽ xin tìm tới quý quán để xin ở nhờ!"

 

Nghe gia nhân về trình, Đinh công vẫn không nỡ đi, cứ nấn ná lưu lại Hoài Dương để chờ Tuấn Bình khỏi bệnh.

 

Ba hôm sau, vào lúc trời nhá nhem tối, Đinh công đang ngồi trong nhà, chợt thấy gia nhân chạy vào báo:"Thưa tướng công, có Diệp tiên sinh tới!" Mừng quá, Đinh công  vội chạy ra cửa đón chào, hỏi:"Túc hạ đã bình phục rồi đó ư?" Tuấn Bình đáp:"Đa tạ phu tử! Khuyển mã đã khỏi rồi!" Hỏi: "Túc hạ thấy trong người đã khỏe hẳn chưa?" Đáp:"Thưa đã! Vì bệnh tình của khuyển mã mà phu tử phải nấn ná lưu lại để chờ, khiến khuyển mã vô cùng áy náy. Nay đã khỏi bệnh, xin tới đây để theo gót phu tử về quý quán!" Đinh công bèn ra lệnh cho gia nhân đi thuê xe ngựa, chất hành lý lên xe. Ngay đêm đó, Đinh công trả nhà, đưa gia quyến cùng Tuấn Bình khởi hành về quê mình. Tới quê, Đinh công bắt Tại Xương lạy Tuấn Bình làm thầy, ngày ngày theo học. Tại Xương học rất thông minh, bài nào cũng chỉ đọc một lần là thuộc.

 

Năm sau, Tại Xương đã tự làm văn được. Lại nhờ có cha chỉ bảo nên Tại Xương tấn tới rất nhanh, thi đậu vào học ở trường huyện. Tuấn Bình bèn đem hết sở học của mình ra mà truyền lại cho Tại Xương.

 

Mùa thu năm ấy, Tại Xương đi thi hương, đậu á nguyên. Thấy con đậu hạng nhì, chỉ sau có giải nguyên, Đinh công thích lắm, nói với Tuấn Bình:"Túc hạ chỉ dùng có một  chút chữ thừa mà cũng đủ khiến cho nhụ tử được thành danh! Thế mới biết chuông đất thì thường được người đời nhắc nhở tới còn chuông vàng thì thường lại bị bỏ quên!" Tuấn Bình đáp:"Con người ta, mỗi người đều có một phần số. Khuyển mã đã dám mượn cái phúc trạch của phu tử để nhả cái khí văn chương của mình ra, khiến thiên hạ biết mình là kẻ nửa đời lận đận nơi trường ốc, quả đã đắc tội với phu tử! Được phu tử tha không bắt tội, đã là có phước, đâu còn dám mong được ai nhắc nhở tới? Vả lại, kẻ sĩ ở đời chỉ cần được một người tri kỷ hiểu mình cũng đủ khỏi di hận ngàn thu, chứ đâu có cần phải được mọi người nhắc nhở tới mới cảm thấy nhẹ nhõm hay sao?"

 

Nghĩ Tuấn Bình đã chịu về ở nhà mình trên một năm để dạy con mình học, nếu bây giờ mình giữ ở lại thêm thì e sẽ làm mất thì giờ chuẩn bị thi cử của Tuấn Bình, Đinh công bèn khuyên:"Túc hạ đã chịu về đây giúp cho nhụ tử thành danh, cha con bản nhân vô vàn cảm tạ. Tuy nhiên, túc hạ cũng nên nghĩ đến tiền đồ của chính mình!" Với nét mặt không vui, Tuấn Bình chẳng đáp, chỉ thở dài. Thấy thế, Đinh công cũng thôi, không đả động chi đến chuyện ấy nữa.

 

          Năm sau, Tại Xương sửa soạn lên kinh đô thi hội. Đinh công dặn: "Con lên kinh đô, phải nhớ tìm cách tiến cử phu tử của con!" Tại Xương vâng dạ.

 

Lên kinh đô ứng thí, Tại Xương đậu tiến sĩ, được triều đình bổ nhậm vào chức chủ chính ở kinh đô. Tại Xương bèn xin cho thầy được vào học ở quốc tử giám, rồi về quê đón thầy lên kinh đô ở chung.

 

          Năm sau. Tuấn Bình đi thi, đậu hiếu liêm (cử nhân). Triều đình bổ nhậm cả hai thầy trò về làm quan ở thủ phủ Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Tại Xương nói:"Bây giờ phu tử và đệ tử cùng được về phó nhậm tại Trịnh Châu, gần lệnh quán Hoài Dương. Phu tử xa nhà đã lâu, chắc sư mẫu với Hùng đệ ở nhà mong lắm. Đệ tử thiết nghĩ trước khi đi phó nhậm, phu tử nên ghé về thăm nhà ít lâu!" Nghĩ Tại Xương nói phải, Tuấn Bình theo lời.

 

          Tại Xương bèn chọn ngày lành tháng tốt, sai bộ tốt hộ tống Tuấn Bình với mình lên đường. Tới ranh giới Hoài Dương, Tại Xương nói:"Bây giờ xin phu tử hãy ghé về thăm nhà. Đệ tử xin phép được tới Trịnh Châu trước!" Tuấn Bình gật đầu. Tại Xương bèn sai hai bộ tốt hộ tống Tuấn Bình về nhà ở Hoài Dương. 

 

Về tới ngõ nhà mình, Tuấn Bình cho hai bộ tốt tự do đi tìm quán cơm ăn uống, còn mình thì xuống ngựa, buộc ở ngoài cổng, bước vào sân. Thấy nhà cửa tiêu điều, Tuấn Bình bùi ngùi tấc dạ, cứ rụt rè, chưa dám bước lên hành lang.

 

Lát sau, Hạnh thị từ trong nhà đi ra, đem rá gạo xuống bếp nấu cơm. Chợt thấy chồng mình quanh quẩn ở sân, Hạnh thị kinh hãi, quăng cả rá gạo xuống đất, bỏ chạy ra hàng rào, rúc vào bụi trúc. Thấy thế, Tuấn Bình buồn lắm, nói lớn:"Bây giờ ta đã thi đậu, ra làm quan. Mới xa nhau chưa đầy bốn năm mà nàng đã quên ta, không nhận ra ta được nữa hay sao?" Từ bụi trúc, Hạnh thị nói vọng vào:"Chàng nói chi lạ thế? Chàng chết đã được hơn ba năm rồi mà sao bây giờ lại nói là đã thi đậu, ra làm quan? Linh cữu chàng vẫn còn quàn ở trong nhà kia kìa!" Nghe vợ nói, Tuấn Bình kinh hãi quá. Vừa nghi hoặc vừa buồn rầu, Tuấn Bình hỏi vợ:"Nàng nói ta chết đã được hơn ba năm rồi mà sao linh cữu của ta vẫn còn quàn ở trong nhà?" Đáp:"Vì thiếp chưa để dành được đủ tiền mai táng!" Hỏi:"Thế bao giờ nàng mới định mai táng cho ta?" Đáp:"Cũng sắp rồi! Thiếp đã để dành được gần đủ tiền rồi, xin chàng đừng hiện về doạ nạt vợ con nữa!" Tuấn Bình chỉ thở dài mà hỏi: "Thằng Mạnh Hùng đâu?" Hạnh thị đáp:"Nó đi học, cũng sắp về rồi!"

 

Vì tò mò, muốn biết linh cữu mình ra sao, Tuấn Bình dón dén bước lên hành lang. Nhìn vào phòng khách, thấy ở giữa phòng có bài vị mình đặt trên linh cữu, đột nhiên Tuấn Bình ngã xuống đất.

 

Từ bụi trúc, Hạnh thị vẫn chú mục theo dõi hành động của chồng. Thấy chồng ngã xuống đất, Hạnh thị vội chạy vào coi. Lên tới hành lang, không thấy chồng đâu, chỉ thấy áo quần, mũ mãng, giày dép nằm dưới đất, trông giống xác lột của côn trùng, Hạnh thị  thương cảm quá, vội ôm bộ quần áo của chồng, chạy vào ngồi cạnh linh cữu mà gào khóc thảm thiết.

 

Mạnh Hùng đi học về, thấy có ngựa lạ buộc ở ngoài cổng thì kinh hãi lắm, không biết là ngựa của ai. Lo lắng cho mẹ ở nhà một mình, không biết có gặp chuyện gì nguy hiểm hay không, Mạnh Hùng lớn tiếng gọi. Hạnh thị gạt nước mắt chạy ra cổng đón con, thuật chuyện cho nghe.

 

Lát sau, hai bộ tốt trở lại đón Tuấn Bình. Hạnh thị bèn mời vào nhà, dắt tới linh cữu, chỉ áo quần cho coi, thuật chuyện cho nghe.

 

Hai bộ tốt bèn về Trịnh Châu, trình lại với Tại Xương.

 

Tại Xương cũng thương cảm, rơi nước mắt, sai gia nhân giong xe cho mình sang Hoài Dương ngay. Tới nơi, Tại Xương lấy lễ hiếu liêm (cử nhân) mà mai táng cho sư phụ, lấy tiền riêng của mình mà chu cấp cho sư mẫu, rồi rước thầy đồ tới nhà, dạy riêng cho Mạnh Hùng.

 

Năm sau, Tại Xương lại sang Hoài Dương thăm sư mẫu và Mạnh Hùng. Sau đó, Tại Xương tới thăm quan học sứ Hoài Dương, xin cho Mạnh Hùng được vào học ở trường huyện.

      

 

 

 

GS Đàm Quang Hưng
Giáo Sư Toán
Trường Đại Học Cộng Đồng Houston, Texas

  

 

 

www.ninh-hoa.com