Trang Thơ & Truyện: Topa Panning                |                 www.ninh-hoa.com

TOPA PANNING
 

Hiện cư ngụ tại:
Bắc Âu

 

 

 

 

Truyện Ngắn
 

LÁ C
Topa Panning


 
 

Dù trời mưa hay nắng, dù trời bão hay có tuyết... ông cũng không bỏ thói quen mỗi sáng sớm với quần áo chỉnh tề, đi ra mảnh vườn nhỏ sau nhà và đi đến chỗ ông dựng một cây cột có treo lá cờ của Việt-Nam Cộng-Hòa. Cây cột và lá cờ được ông đặt dưới một mái nhà nhỏ và có vách chung quanh để che mưa nắng. Ông đứng chào trước lá cờ khoảng đôi ba phút rồi sau đó, nếu là trời khô và có nắng thì ông sẽ ngồi uống cà phê ở cái bàn đặt bên ngoài căn nhà nhỏ có lá cờ. Nếu là trời xấu, ông sẽ uống cà phê trong nhà hướng nhìn ra vườn. Từ ba mươi bảy năm nay thói quen này ông vẫn làm đều đặn mỗi sáng và chỉ ngưng lại độ một hoặc hai tuần vào mùa hè. Sáng nay vừa ra đến sân ông đã phải thảng thốt kêu lên:

- Trời ơi!Ai lấy lá cờ của tôi mất rồi?

Ông thẫn thờ nhìn cột cờ làm cho tứ chi ông rã rời như thể đó là con người đang đứng trước mặt ông vậy. Từ từ ông đưa cánh tay run run mở cánh cửa có gắn kiếng, mắt  ngó rảo xung quanh cách buồn giận. Ông ôm cột cờ vô mình rồi đưa tay nâng cái kiếng đang chảy xệ xuống sống mũi lên. Một lúc sau ông rời cột cờ và bước ra ngoài rồi ngước mặt nhìn lên trời cao. Ông đứng bất động nhìn lên trời cao như cố nhìn về một thời quá khứ. . .

 ***

Vượt qua khỏi ngọn đồi nhỏ thì mặt trời đã đứng bóng. Huệ lấy tay áo quệt mồ hôi trán. Anh vừa thở vừa ra dấu cho mấy người lính chia ra canh gác và nghỉ ngơi. Một người lính đến bên Huệ thưa:

- Thưa Thiếu úy, cô gái nói cô không thể đi tiếp được nữa.

Huệ đưa mắt nhìn cô gái đang nhăn nhó vì vết đau ở chân và nói:

- Đưa cô ấy đến đây.

- Dạ.

Người lính đưa cô gái đến. Huệ lấy bình nước ra đưa cho cô và nói:

- Cô uống nước đi.

Sau khi uống nước xong, cô nhìn xuống đôi bàn chân của mình rồi nói:

- Ông Thiếu úy ơi, chân em đau quá!

Huệ nói với người lính vừa đưa cô gái đến:

- Mình nghỉ ăn cơm ở đây.

Huệ lấy từ trong ba-lô hộp cứu thương ra rồi chính tay anh săn sóc vết thương cho cô. Huệ nhìn cô gái nhăn nhó và kêu đau khi anh băng bó bàn chân cho cô. Một vài ngày nữa cô gái sẽ được trực thăng đến đem về Ban an ninh khi toán của Huệ ra khỏi vùng trách nhiệm.  Trong lúc toán lính Biệt-Kích-Dù do Huệ chỉ huy đang truy tìm dấu vết của một toán Việt cộng vừa từ trong một cái làng đi ra thì anh thấy cô gái từ hướng chạy của toán Việt cộng đi lại. Huệ phải giữ cô gái để giao cho an ninh điều tra là vì trong giò xách của cô có một lá cờ của Mặt Trận Giải-Phóng Miền-Nam Việt-Nam. Trả lời những câu hỏi của Huệ, cô gái tỏ ra là người cũng có trình độ học vấn. Nhưng, luận cứ mà cô đưa ra không đủ chứng minh cô không phải là giao liên Việt cộng. Cô nói cô từ Sàigòn về thăm người em gái có chồng sinh sống trong cái làng mà toán của Huệ đã đi qua. Nhưng, khi cô đến nơi thì mới biết cả làng đã di tản. Cô nhìn thấy trước những căn nhà trong làng đều có treo một lá cờ mà cô nghĩ đó là cờ của làng. Lá cờ với phân nửa màu xanh phân nửa màu đó cùng với ngôi sao chính giữa. Trước cửa sổ căn nhà của người em gái cũng có một lá cờ như vậy. Vì tất cả dân trong làng đã di tản và vì cô không biết lá cờ kia là cờ của Việt cộng nên cô nhét vội lá cờ vào giỏ và đi trở ra quốc lộ. Trên đường đi vì sợ chạm mặt với toán lính Việt cộng nên cô đã đi lạc hướng và đã chạm mặt với nhóm lính của Huệ.

Khi người lính đưa đến cho Huệ hai ca cơm sấy ăn với thịt hộp, Huệ đưa cho cô gái một ca cơm:

- Cô ăn đi. Có lẽ cũng phải vài ngày nữa cô mới được đưa ra khỏi chỗ này nên cô phải ăn để có sức mà theo chúng tôi.

- Em mệt quá và hơn nữa chân em cũng đau quá.

- Nhưng cô cũng phải ráng ăn. Ăn mới có sức để đi theo chúng tôi.

Nói xong Huệ quay mặt qua hướng khác ăn phần cơm của mình như muốn để cho cô gái được tự nhiên. Cô gái cố nuốt được một phần hai ca cơm thì cô đưa phần còn lại cho Huệ và xin Huệ uống nước. Huệ nhìn đồng hồ đeo tay thấy đã gần hai giờ rồi. Huệ quyết định cho nghỉ thêm ba mươi phút nữa rồi sẽ tiếp tục lên đường.

Huệ nhìn bàn chân nhỏ và xinh xắn của cô gái khi cô cởi đôi giày bố của Huệ ra. Huệ đã độn vô trong đôi giày một ít vải của áo lính cho cô gái mang nhưng, đôi chân của cô cũng đã bị phồng giộp lên. Huệ lại thay băng cho cô gái và trong khi thay băng anh nói:

- Cô Loan ráng lên vì chiều nay sẽ có trực thăng đến đón về.

- Đi suốt hai ngày nay em. . .  đuối sức quá rồi.

- Tôi hiểu nhưng. . . nhưng tôi cũng không thể làm gì cho cô hơn được.

Cả hai ngày nay Huệ không thấy cô gái tỏ dấu hiệu muốn trốn mà luôn tỏ ra vâng lời. Huệ không thể nào hiểu được tại sao cô gái lại thơ ngây tin tưởng là nếu cô gặp Việt cộng thì họ cũng sẽ đối xử tốt với cô. Cô không biết hay giả bộ không biết là những người lính Việt cộng thà giết lầm hơn tha lầm. Những người lính mà đồng bào miền Nam khi nghe nói đến đều biết đó là những người ác ôn đã từng giết người cách man rợ. Huệ nhìn cô gái Sài-Thành có thân hình tuyệt mỹ, nét mặt đoan trang. . . trong đầu anh luôn hiện ra những câu hỏi: “không biết cô Loan có phải là giao-liên Việt cộng không? Hay cô đã bị mình bắt oan? Dù sao thì cô Loan cũng phải được đưa về cho Ban an ninh điều tra vì, nếu cô là Việt cộng thì quả là nguy hiểm.  Nhưng, nếu cô bị bắt oan thì sao?” Huệ cảm thấy cũng có chút xao xuyến trong lòng khi nhìn ánh mắt của cô Loan nhìn anh vẻ trìu mến mỗi khi anh săn sóc vết thương và lo lắng những bữa ăn cũng như nước uống cho cô. Có khi cô nhìn anh như trách móc như oán hờn vì cho là anh đã xem cô là kẻ thù. Huệ không tin là cô Loan về đây để thăm người em gái. Những người con gái trẻ và đẹp như cô nếu làm gián-điệp cho đối-phương thì rất dễ thành công và rất nguy hiểm.  Huệ cũng cảm thấy tội nghiệp cho cô vì theo lẽ ra phải được hưởng những gì mà đời thường ưu đãi cho người có nhan sắc chứ có đâu lại phải ăn uống kham khổ và còn phải lội rừng băng suối theo anh nữa mà vấn đề vệ sinh cho phụ nữ thì thật là rắc rối. Huệ nhìn những người lính trong nhóm tuy cực khổ và nguy hiểm thường trực vậy mà lúc nào cũng tươi cười, lúc nào cũng san sẻ những khổ cực và tỏ ra rất lịch sự với người mà họ nghĩ đúng là tên giao-liên Việt cộng, kẻ thù rất đáng bị trừng trị. Huệ oán trách những người gây ra chiến tranh xâm lăng từ phương Bắc, những người cùng dòng máu và ngôn ngữ đã vì những lợi ích của ngoai bang mà làm cho những người trẻ của cả hai miền phải giết nhau trong thù hận thay vì phải thương yêu nhau. Nếu không có chiến tranh thì giờ này có lẽ anh cũng đã có gia đình từ lâu rồi vì tuổi của anh cũng đã ba mươi sáu chứ còn trẻ trung gì nữa đâu. Nếu không có chiến tranh thì giờ này anh đang hưởng hạnh phúc bên người vợ hiền và đàn con thơ. . .  ở một nơi nào đó trên mảnh đất miền Nam giàu có tài nguyên và giàu tình người. Cô gái thấy Huệ tư lự mà không nói gì nên cô lên tiếng:

- Em không hiểu vì sao em phải đi theo Thiếu úy?Hành vi của Thiếu uý xem em như là tội phạm.

- Cô không hiểu là vì có cô nên chúng tôi bị chậm trễ công tác. Tôi không xem cô là tội phạm khi chưa có kết luận điều tra và bị tòa lên án. Nếu tôi xem cô là tội phạm thì. . . thì tôi đã không săn sóc vết thương cho cô mà.... mà sẽ bỏ cô lại giữa rừng rồi.

Cô gái cúi mặt nhìn xuống và kín đáo mỉm một nụ cười.

***

Kính gởi Thiếu úy Huệ,

 

Sau những ngày ở Ban an ninh và bây giờ thì Loan được trở về nhà. Loan viết vội vài hàng gởi đến Thiếu uý để cám ơn Thiếu úy về những gì mà Thiếu úy đã đối xử với Loan trong những ngày mà, nếu không vì sự nhầm lẫn về lá cờ thì có lẽ không bao giờ Loan lại được hưởng những giờ phút hồi hộp và đầy thích thú trong rừng bên những người lính không biết sợ là gì.

Bây giờ thì Loan mới thật sự sợ khi được Ban an ninh nói về những người lính Việt cộng nếu chẳng may Loan bị lọt vô tay của họ. Loan cũng cám ơn Thượng-đế đã cho Loan gặp Thiếu úy và những người lính can đảm và vui tính nên mới có ngày hôm nay được trở về gặp lại những người thân yêu. Từ nay và mãi mãi Loan sẽ luôn trân trọng lá cờ quốc gia bên mình cho đến ngày. . . không thể được nữa. Rất mong được đón tiếp Thiếu úy vào một ngày thật gần tại nhà của Loan. Địa chỉ của Loan : Nguyễn-Thị Kim-Loan. Số nhà 4. . . /15 đường Trương-Minh-Giảng Sàigòn Quận 3. (Khoảng gần nhà thờ Ba chuông )

Kính chào Thiếu úy và cho Loan gởi lời cám ơn chân thành nhất đến với các anh lính của Thiếu úy.

Đọc xong lá thư của người con gái mà Huệ cũng có nhiều cảm tình, Huệ quyết định lên gặp đơn vị trưởng để xin mấy ngày phép. Anh sẽ đến thăm Loan.

Trời Sàigòn mùa này se se lạnh.  Đường phố bừng lên nét nhộn nhịp của những ngày giáp Tết.  Những khuôn mặt  tươi cười rạng rỡ trên đường đi mua sắm với những gói quà trong tay.  Huệ rẽ vô một con hẻm khá rộng. Hai bên đường là những căn nhà hai tầng, ba tầng với vách tường và mái tôn. Nơi đây ngày trước là khu đầm lầy nhưng từ khi những đồng bào di cư lánh nạn cộng sản từ phương Bắc đến cư ngụ đã biến đổi thành khu phố buôn bán sầm uất. Huệ đến trước một căn nhà có một lùm cây xanh. Bóng lá đã thẫm màu vì đang là buổi chiều xuống.  Căn nhà khá rộng đã lên đèn. Huệ đưa tay bấm chuông. Chừng như Huệ đến đúng lúc vì nhìn thấy mắt của Loan sáng long lanh và nụ cười hớn hở vui tươi khi ra đón Huệ:

- Chào Thiếu uý. Thiếu úy tìm nhà có khó không? Mời Thiếu úy vô nhà.

Huệ vẫn đứng tại chỗ và nói:

- Thiếu với đủ cái nỗi gì. . . em. . . Loan.

Loan chím đôi môi lại làm dáng một chút rồi nói:

- Bởi vì. . . thiếu chút nữa thì Loan đã nằm luôn trong rừng rồi chứ đâu mà còn đứng đây.

- Loan kết tội cho mấy anh như vậy thì tội cho mấy anh quá.

- Không phải vậy đâu. . . anh Huệ à. Ý của Loan là thiếu một chút xíu nữa là Loan gặp Việt cộng thì. . . tiêu đời rồi.

- Xin lỗi. Anh hiểu lầm.

Huệ sánh bước cùng Loan đi vô trong nhà và vừa đi anh vừa nói;

- Vì mong cho mau đến đây nên anh đã không kịp mua ít quà. . .

- Anh đừng bày vẽ làm gì. Loan hiểu các anh là lính nên chuyện gì cũng làm cho mau xong.  Chuyện quà cáp thì. . . có gì mà anh phải bận tâm chứ.

- Anh muốn mời Loan đi ăn với anh tối nay.

- Má nấu cơm cũng sắp xong rồi anh. Mình ăn cơm ở nhà rồi sau đó đi đâu cũng được. Hay là mình ra bến Bạch-Đằng ngồi uống nước nhìn thiên hạ đi sắm Tết anh nhé.

Huệ gật đầu cho Loan biết anh đồng ý. Anh cảm thấy thật ấm lòng khi Loan gọi má cách chung chung mà không gọi là má của Loan, cũng như gọi mình như thể cả hai đã là một. Trong phòng khách Huệ nhìn thấy một lá cờ khá lớn của Việt-Nam Cộng-Hoà được trang trọng đặt bên cạnh cái tủ trưng những đồ bằng pha-lê.

- Từ hôm về đến nhà em liền mua lá cờ lớn này về để trưng trong nhà. Thật sự thì hôm em đến nhà em của em, em chưa nhìn thấy trước đó lá cờ của Việt cộng ra sao cả.

- Dân thành phố thì có mấy ai mà đã nhìn thấy lá cờ đó đâu.

Bữa cơm được dọn ra với ba món, gà luộc canh miến và cải chua nhưng chỉ có ba người cùng ăn. Má của Loan luôn tươi cười trò chuyện và gắp thức ăn ép Huệ ăn. Sau này Huệ mới biết là ba của Loan mới mất hơn một năm. Nhà có hai chị em thì cô em lại lấy chồng xa mà từ hôm Loan về thăm em cho đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Loan tỏ ra dạn dĩ và luôn cười chứ không như những ngày trong rừng. Người phụ nữ như Loan thì ai cũng dễ thân thiện, nhất là khi nhìn thấy Loan cười. Huệ từng đọc ở đâu đó câu viết rằng:khi bạn thật sự thích một người nào đó thì chỉ cần một nụ cười vô tình của họ hướng về bạn cũng khiến bạn thấy tâm hồn bay bổng.

Tối hôm đó khi hai người ngồi trong quán cà phê trong trung tâm thành phố và khi Loan tìm hiểu về gia đình của Huệ, anh đã hỏi Loan:

- Anh yêu em. Anh mong muốn được cưới em. Em có muốn làm vợ anh không?

Và, Loan đã biểu lộ cảm xúc của mình bằng cách tỏ ra vẻ là người có hạnh phúc nếu được chung sống với Huệ.

- Tết này anh ăn Tết ở nhà em nha?

- Anh rất vui được ăn Tết cùng gia đình em.

Và, cái Tết năm đó cũng là cái Tết sau cùng của Loan và Huệ trên quê hương. Đám cưới của Loan và Huệ đã không xảy ra và, vĩnh viễn không bao giờ xảy ra. Huệ đã kịp đưa Loan chạy thoát trước ngày Sàigòn sụp đổ. Má của Loan nhất quyết ở lại để chờ đón người em gái của Loan. Khi Loan chạy theo Huệ ra ngoại quốc Loan đã kịp đem theo mình duy nhất một món đồ mà Loan rất trân trọng. Đó là lá cờ của Việt-Nam Cộng-Hòa.

***

Ông quay nhìn lại căn nhà nhỏ nơi để lá cờ và hai con mắt của ông như bị ướt nước. Ông ôm mặt và than thầm:

- Loan ơi!Bà tha lỗi cho tôi. Tháng tư nữa lại về mà lá cờ yêu quý của chúng ta cũng đã bị mất rồi. Bà đã bỏ tôi ở lại để ra đi một mình và chỉ để lại cho tôi lá cờ mà nay nó cũng đi luôn rồi! Tôi đã không làm trọn bổn phận với tổ quốc và với bà. Xin bà tha lỗi cho tôi!Hu. . .  Hu. . . Hu. . .  Hu. . . Hu. . . Hu. . .

Ông thẫn thờ đi vô nhà nhưng, bỗng chợt nhớ ra ông đi vội lên gác. Thì ra ông đã lấy lá cờ đi giặt và phơi trên đó để treo khi tháng tư nữa sắp đến. Ông cười lên ha hả vẻ sung sướng mà hai hàng nước mắt cứ chảy dài xuống theo hai bên má. /.

 

 

HẾT


q Topa Panning q


 

 

 

 

Trang Thơ & Truyện: Topa Panning             |                 www.ninh-hoa.com