Trang Thơ & Truyện: Trần Đình Nguyên Soái               |                 www.ninh-hoa.com

TRẦN ĐÌNH NGUYÊN SOÁI

 

Cựu học sinh
Trường Trung Học Đức Linh,
Ninh Hòa,
Niên Khóa 1964-1976
 

Trước 1975 sống tại Dục Mỹ

 

 

Hiện đang sinh sống tại
tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.

 

 

 

 

 

 


 

 

QUÊ HƯƠNG TÔI
Trần Đình Nguyên SOÁI

 

  

 

D

 

ục Mỹ - Ninh Hòa. Ồ! Nghe xa lạ quá phải không bạn? Nó chỉ là một khu phố nhỏ lẻ. Nếu nói Dục Mỹ là cao nguyên cũng không phải – mà nói là đồng bằng cũng không xong. Dục Mỹ được bao quanh bởi những dãy núi cao và rừng rậm – Dục Mỹ cách đèo Phượng Hoàng khoảng 20 cây số - một ngọn đèo nổi tiếng – trên đường đi Ban Mê Thuột – Dục Mỹ có suối trong bao quanh, nơi cung cấp nguồn nước, sự sống cho cả cư dân Dục Mỹ. Có một số suối nhỏ ngang dọc tạo nên sức sống cho Dục Mỹ. Vì là cư dân tứ xứ tụ họp về đây sinh sống nên chúng tôi trở thành quen, sống với nhau từ nhỏ. Khi còn học cấp 1, 2 và dần dần lớn lên tại đây, đã coi Dục Mỹ là quê hương thứ 2, rất nhiều kỷ niệm được hình thành một cách tự nhiên, như bao nhiêu cuộc sống của các vùng quê khác.

 

Vùng quê Dục Mỹ nhỏ lẻ, nhưng nổi tiếng nhờ vào 3 quân trường, chuyên huấn luyện cho binh lính. Dục Mỹ có rừng có núi có suối, có các bãi sình lầy, có ruộng và nhiều bãi cát trắng bằng phẳng rất phù hợp cho việc huấn luyện quân sự. Trường học và cuộc sống của con người nơi đây sống dựa vào 3 quân trường, bởi thế, họ quên đi đằng sau họ còn có biết bao tương lai tuổi thơ, tuổi trẻ bị đốt cháy vào thời gian vô ích. Dục Mỹ có sân vận động, không có nơi vui chơi giải trí, chỉ có một rạp hát nghèo nàn, lâu lâu mới có đoàn hát đến làm cho bộ mặt của Dục Mỹ thay đổi vài bữa xong đâu lại vào đấy. Vì thế, tuổi trẻ ngoài giờ học, sống chủ yếu là con suối, vui đùa tại suối, cười nói tại suối và rất nhiều mối tình hình thành cũng tại suối. Cạnh suối là rừng rạp bạt ngàn, nhiều bãi cát cạnh suối trở thành nơi sinh hoạt tập thể và cá nhân. Rừng nhiều thú rừng nhỏ, hoa lạ, trái lạ, đây là niềm đam mê của tốp trẻ. Đặc biệt ở Dục Mỹ có suối nước nóng, cách Dục Mỹ khoảng 4 km, không hiểu là từ đâu đến, có thể luộc hột gà, thịt gà rất tốt. Nước có mùi hăng hắc, người ta nói nước rất tốt, chữa được nhiều thứ bệnh ngoài da. Tuy là suối nước nóng, nhưng tre mọc rất tốt và mạnh. Nghe đồn măng tre ở suối nước nóng ăn ngon và ngọt, mỗi lần đi chơi suối nước nóng về, chúng tôi bẻ ít măng về làm quà.

 

Vào mùa xuân – mùa sim chín. Vào rừng, sim rất đẹp, có cả mai xuân còn sót lại, sim chín kéo đủ các loài chim về đây, màu sắc rực rỡ - vào đây thỏa chí săn bắn chim – nghe đủ các loại chim hót, muôn vàn âm thanh, nhất là két xanh nhiều vô kể, bướm ở đâu cũng rủ nhau bay về, tạo nên một không gian thơ mộng, thần tiên, dấu ấn đẹp tuổi thơ. Sim ăn ngon, nhưng chỉ có con trai là ham, còn con gái hơi chê. Lý do, ăn sim được một lúc, đôi môi trở nên thâm sì, hàm răng đen, vì thế nên con gái ngại làm mất vẻ đẹp.

 

Dục Mỹ là vùng bán cao nguyên, bán đồng bằng, nên có 2 mùa rõ rệt. Mùa nắng, nắng cháy da cháy thịt. Mùa mưa, ảm đạm kéo dài và lạnh buốt da thịt. Vì vậy, các quan café mới hình thành kiểu uống cafe “rum”, nghĩa là café pha thêm rượu “rum” uống buổi sáng cho ấm. Thời trẻ chúng tôi, mỗi buổi sáng uống café “rum” nghe nhạc Trịnh, thời chiến nên tuổi trẻ lúc bây giờ nó uể oải, ảm đạm, mất hướng đi.

 

Dục Mỹ đầu năm 1961 – 1965, chưa có điện tập thể, chủ yếu điện gia đình, nên các quán “cóc” vẫn còn dùng đèn dầu, món ăn đặc sản đó là bánh xèo ăn với lá rừng Dục Mỹ. Không hiểu ai tự chế ra món ăn này cũng hay hay. Bánh xèo thì không ai lạ, nhưng lá rừng ăn được với bánh xèo không phải chỗ nào cũng dễ kiếm, nó có vị chua, chát, đắng, bùi bùi kèm với rau tàu bay. Lá rừng là loại cây mọc bên bờ suối. Lá to bản, lá non có màu đỏ nhạt, búp màu lá mạ, lá già chát không ăn được, cũng có thể ăn với cá kho, chỉ có Dục Mỹ mới có, không nơi nào có loại lá rừng ăn được chung với bánh xèo. Buổi tối, trời se lạnh, ngồi nhâm nhi bánh xèo cuộn lá rừng dưới ánh đèn dầu, nom nó có vẻ hoang sơ, dân dã, rừng rú, nhưng lạ và hay.

 

Khi tôi đang học đệ ngũ. Được anh Chiến – đi lính ở TTHL Lam Sơn, quen thân, giới thiệu cho tôi sinh hoạt hướng đạo ở Ninh Hòa. Nhiều cái còn lạ hơn, nếu ở Dục Mỹ được bơi lội tắm suối, thì ở Ninh Hòa tắm giếng. Có lẽ nhà nào cũng làm giếng giữa vườn cây ăn trái, chủ yếu chanh để gội đầu và tắm, nên tắm giếng Ninh Hòa, chanh thay xà phòng, đứng giữa vườn cây ăn trái tắm giếng, nước mát có thể làm quên đi nỗi ưu phiền, quên đi bao nỗi lo toan của cuộc sống. Tôi cũng được sinh hoạt ở Hòn Khói, ở Thạch Thành, được ăn bánh bèo, bánh căn, được uống nước trong lu bằng gáo dừa. Về xóm Rượu được ăn cơm với cá thu kho tiêu, canh bí với cá “sặc rằng”. Cơm được dọn ra trên cái chõng tre, dưới giàn mướp và giàn hoa giấy đỏ vàng, nó có vẻ dân dã, đồng ruộng, một bức tranh đồng quê ấn tượng khó phai mờ trong trí nhớ. Nếu đến Ninh Hòa mà không thưởng thức nem Ninh Hòa là một thiếu sót, các loại nem như nem Thủ Đức, nem Lai Vung, nem Đồng Tháp ta có thể ăn mọi nơi, mọi tư thế, nhưng nem Ninh Hòa lại khác, phải cuốn bánh tráng với rau sống, có loại nước chấm đặc biệt mới ra nem Ninh Hòa khi ăn ngồi tại bàn.

 

Có một lần thầy Huỳnh Tấn Diên, người Ninh Hòa nhưng dạy ở Dục Mỹ, kêu bọn tôi về nhà thầy để ăn đặc sản dừa tươi không già không non, bổ lấy nước, cùi nạo để khô. Bánh tráng nướng, nhúng nước cho dẻo, cuốn cùi dừa chấm nước mắm nhĩ, ai muốn cay thì cho thêm ớt, có lẽ món này đã theo tôi đi suốt chặng đường dài khi ra Quy Nhơn, Bình Định, tôi cũng làm như vậy, nhưng sao cái vị nồng ấm, quê hương nó không có, thế mới biết khi ta nhớ kỷ niệm sống, không phải chỗ nào cũng thực hiện được, dù ta có làm đúng như vậy cũng không thể hiện được sự đồng cảm và sự chia sẻ của quá khứ.

 

Năm 1968, vì lý do an ninh, chúng tôi không được vào rừng sim, rừng tre, giới hạn sự đi lại, tôi đành đề dành các kỷ niệm vào tim, gói ghém trong tâm hồn, để nói rằng: “Dục Mỹ - Ninh Hòa ơi! Ta yêu mi” – vì nó đã cho ta nhiều kỷ niệm đẹp. Và năm 1975, “ta đã thật sự xa mi rồi” nhưng không bao giờ quên được Ninh Hòa – Dục Mỹ.

 

Tháng 07 năm 2011, sau gần 40 năm tôi trở lại tìm dấu ấn kỷ niệm, ước ao được tắm giếng, tắm suối được ăn các món mà ta đã mong ước, nhưng hỡi ôi nào được! vì thời gian đã nhấn chìm tất cả vào ký ức, ngay khi ta đang đứng dưới giòng suối Dục Mỹ, hướng về dĩ vãng, nước vẫn trôi, nước không thể trở về nguồn được, thời gian vẫn đi, còn ta không phải là cậu bé 10 tuổi ngày nào, ta đang là một ông cụ, ôi hỡi thời gian không thể trôi ngược dòng, ta đành ngâm ngùi chỉ biết than thở, ôi! Kỷ niệm của một thời đã qua, một thời vô tư hiếu động.

 

Kỷ niệm của ngày xưa đẹp quá!

Hẹn gặp lại Dục Mỹ - Ninh Hòa.

 

 

 

 

 

Trần Đình Nguyên Soái

(để nhớ tập thể bạn bè, bạn học cũ Dục Mỹ)

Tháng 02 năm 2012
 

 

 

 

 

 

 

Trang Thơ & Truyện: Trần Đình Nguyên Soái                  |                 www.ninh-hoa.com