Thơ và Truyện của Việt Hải           |                 www.ninh-hoa.com


Việt Hải
 

Tên thật: Trần Việt Hải
Sáng tác nhiều thể loại
Văn, Thơ, Biên Khảo,...
tại hải ngoại.

     

 



Hiện cư ngụ tại
Los Angeles - USA

 

 

 

 

 

 

 ĐỌC

Doãn Quốc Vinh

VIỆT HẢI Los Angeles
 


 

Doãn Quốc Vinh 

 

Doãn Quốc Vinh là thứ nam của GS. Doãn Quốc Sỹ, cháu ngoại của nhà thơ Tú Mỡ. Vinh theo khuynh hướng thi ca như cụ ngoại Hồ Trọng Hiếu. Ngoài ra, Doãn Quốc Vinh có đam mê hội họa, tôi không ngạc nhiên vì anh có hoa tay vung cọ hay múa mouse hay mát tay trong lãnh vực mỹ thuật này. Vinh tốt nghiệp kiến trúc, chính môn kiến trúc tạo cho người thực hành có cái nhãn quan mỹ thuật, cũng như kỹ thuật bố cục kết cấu một tác phẩm, nét mỹ thuật Vinh dùng thiết kế nhiều tranh hay bìa sách. Bìa sách này, Lục bát tùy bút, cho thấy nét đơn giản, màu sắc hòa hợp dịu mắt, phân nửa trang bìa trước là bức tranh màu đỏ cam vàng với tựa đề, phân nửa bên dưới con lại không màu hay trắng bạch, có chú gà và tên tác giả, tựa sách và tên nhà xuất bản.

 

Bây giờ hãy lật vào bên trong sách, trang 11 là bài giới thiệu của GS. Doãn Quốc Sỹ về nhà thơ hậu duệ Doãn Quốc Vinh, xin xem trích đoạn như sau:

 

" Bố Sỹ đọc Lục Bát Tùy Bút… Thể "Lục Bát Yêu Vận"

 

Bố Sỹ đọc Lục Bát Tùy Bút… Thể "Lục Bát Yêu Vận" là thể thơ độc đáo của người Việt nam! người Nhật Bản có loại thơ còn ngắn hơn gọi là "Hai Cú". Vinh đã dung hoà được thể thơ Lục Bát độc đáo của Việt Nam , ứng dụng song hành với thể thơ độc đáo ngắn ngọn "Hai Cú" … chỉ với 2 câu Lục Bát, Vinh dí dỏm chơi với 2 chữ "Tình Nhân" và "Nhân Tình" :

 

Nhân tình… chín cõi hỗn mang

Tình Nhân… một cõi đi hoang vội vàng

[Tình Nhân]

 

Trong bài Đá Trăng với 4 câu Lục bát, Vinh khởi sự với 2 câu phảng phất nét ca dao:

 

Trăng ơi… bao tuổi trăng già ?

Đá ơi… bao tuổi gọi là đá non ?

và đi đến kết luận dung dị cũng rất ca dao:

Hợp tan… ấy lẽ vuông tròn

dăm ba năm nữa ai còn ai không ?

[Đá Trăng]

 

Đi vào chiều sâu suy tư hơn nữa : con người có hướng thiện đấy ! nhưng khốn nỗi chào đón nơi này, quyến rũ nơi kia, khi bừng tĩnh đã thấy mình lạc sâu vào Tham, Sân, Si lúc nào không hay:

doãn quốc vinh

Ới Trời… Ới Phật từ tâm …

con nào có muốn ôm nhầm thị phi

Ới Đời… mê bước mải đi

lỡ chân dẫm nát sân si chẳng ngờ

[LạyTrời lạy Phật] "  

 

Thật vậy cái bắt mắt tôi, Doãn Quốc Vinh dùng 2 hay 4 câu thơ rồi tế phân ra, đập vào mắt tôi là loại lạ lẫm; cảm giác suy diễn sự lạ lẫm như chút gì đó như thơ haiku hay thơ tây phương. Trong sự nhận xét của GS Sỹ ở trang 11, Vinh đã ứng dụng song hành với thể thơ độc đáo ngắn ngọn "Hai Cú" … chỉ với 2 câu Lục Bát...

Xem qua sách, Doãn Quốc Vinh chia cắt thơ 6, 8 ra nhiều dậng thức như 2, 4, 4, 4, hay 2, 4, 8, hay 3, 3, 8, hay 6, 2, 6 hay 6, 6, 2, hay 2, 2, 2, 4, 2, 2,.. v.v.. tùy bài, tùy lối cảm tác bài.

 

Người Nhật quen với thể haiku, trong văn học Nhật những thi nhân haiku nổi danh trong văn học Nhật Bản là Matsuo Basho (1644-1694), Yosa Buson (1716-1784), và Kobayashi Issa (1763-1827), Masaoka Shiki (1867 - 1902)… Và tôi xem nhiều bài haiku đặc biệt của hai thi nhân Matsuo Basho và Masaoka Shiki. Họ có nhiều đóng góp quan trọng đưa thơ haiku trở thành một thể thơ có địa vị trang trọng trong lịch sử văn học Nhật Bản. Matsuo Basho và Masaoka Shiki là những gương mặt tiêu biểu cho trường phái thơ haiku. Nếu Việt hóa, tôi nêu 17 chữ tương đương 17 tiết âm như sau:

 

Em như mùa xuân tươi

Tuổi gần như chín mọng đôi mươi

Muôn hoa đón xuân thì

 

Tổng số 17 âm tiết của một bài haiku được thu xếp thành 3 dòng thơ, thông thường với 5 âm tiết cho dòng thứ nhất, 7 âm tiết cho dòng thứ hai, và 5 âm tiết cho dòng thứ ba. Ba dòng thơ ấy không bắt buộc phải vần với nhau và cũng không cần những dấu chấm câu.

 

Tuy vậy, tôi thấy gần gủi với lối thơ ngắn của Doãn Quốc Vinh hơn, anh có thể dùng 2 câu 6, 8 để hóa phép, biến thể ra nhiều dạng tùy ý bài, cắt sao cho hợp lý. Nếu dạng haiku Nhật gồm 17 tiết âm ngắn nhất, thơ ta theo dạng tế phân vẫn chỉ 14 tiết âm ngắn, nhưng trình bày bằng nhiều cách khác nhau.

 

 

Nhà thơ Doãn Quốc Vinh  

 

Thơ Doãn Quốc Vinh

 

Thi tập Lục bát tùy bút được chia ra làm 4 chương, mà chương đầu là lục bát nhà, chương 2 là lục bát đôi bờ, chương 3 là lục bát đời và cuối cùng là lục bát tình. Sau đây là phần trình 4 chương với bài thơ tiêu biểu của nó.

 

a/ Chương 1: Lục bát nhà

Lục bát nhà là những bài thơ tác giả tặng các người thân trong gia đình ông bà, cha mẹ, cô chú bác, anh em, vợ con, các cháu,... ví dụ bài thơ đầu ghi vô đề thay lời tựa:  

bởi là…

con Bố cháu Ông

đâm ra...

xớn xác đèo bồng văn chương

Cháu kính tặng ông Ngoại Tú Mỡ

Con kính tặng bố Doãn Quốc Sỹ  

 

Sàigòn 2003

(trang 31)  

 

 

GS. Doãn Quốc Sỹ

 

b/ Chương 2: Lục bát đôi bờ

Lục bát đôi bờ gồm những bài thơ từ bên bài bờ Thái Bình Dương cảm nhận chuyện nơi quê nhà, dí dụ như sau:  

 

Hãy cứ là  

. . .

hãy cứ là sông nhỏ …

soi tỏ ánh trăng chơi …

gặp con nước lũ duyên trời

lo gì chẳng được sống đời đại dương

hãy cứ là giọt nước …

hãy cứ là hạt sương …

nhẩn nha tưới tắm rộng vườn

lo gì cỏ dại bên đường yêu ma

hãy vui đời sâu lá …

nhẫn nhục tháng ngày qua …

rồi mai xuân đến chan hòa

thoắt ra thành bướm, thành hoa giữa đời

hãy vui đời chim nhỏ …

trong lồng hót thảnh thơi …

thuận mây, thuận gió bên trời

lo gì chẳng được về chơi suối ngàn

hãy cứ là hạt lúa

nhảy múa khi mùa sang

tiếc chi trái ngọc, cành vàng

buồn gì chẳng được xênh xang ruộng người

 

Doãn Quốc Vinh  

(trang 82, 83)

 

c/ Chương 3: Lục bát đời

Lục bát đời là những bài thơ nói về cuộc đời xung quanh, nói chung ví dụ như

 

 

Thảnh Thơi  

ta dại…

ta tìm nơi vắng vẻ

người khôn…

người đến chốn lao xao

thảnh thơi…

tắm mát sông đào

vỗ tay hát khúc thanh cao cho đời  

 

(Tặng riêng Đoàn khoa)

  (trang 105)  

 

d/ Chương 4: Lục bát tình

Lục bát tình gồm những bài tình thơ của tác giả, tình thơ lãng mạn, yêu đương đắm say, xin đan cử 2 bài trong nhiều bài....

 

VÔ ĐỀ

buồn trông con nhện giăng tơ

sợi thương, sợi nhớ, sợi chờ, sợi mong

yêu em…

chết đuối giữa giòng

nỗi đau dấu kín

nỗi lòng lặng thinh

Sàigòn 4/2003

 

(trang 186)

 

hay bài kế tiếp trang bên cạnh:

 

VÔ ĐỀ

 

lạy em tôi ở bụi này

làm thân giun dế ăn mày tình nhau

ơn em… ban phát nhiệm mầu

chút thôi…

cho đỡ nát nhầu tim tôi

cỏ hoang mắc cạn lưng đồi

ngu si…

bén rễ…

đâm chồi…

nở hoa…

Sàigòn 8/2003

 

(trang 187)  

 

Tóm lại, tác giả làm thơ tôn trọng sự thật, thơ trung thưc. Thơ Doãn Quốc Vinh đơn giản qua cách trình bày ngắn gọn, ý thơ dễ hiểu, không cầu kỳ, sáo ngữ, nhiều bài âm điệu châm biếm, dí dỏm. Tác giả nhìn cuộc sống lạc quan, giản dị qua thi ca, phải chăng anh dùng thơ đề dung hòa lãnh vực kiến trúc hay hội họa vốn đòi hỏi nhiều chi tiết, nhiều sắp xếp, tính toán quy củ, có thể Vinh dùng thơ như thú vui giảm stress, anh có những bài trêu đời, hay trêu tình. Ví dụ:

 

LẠY TRỜI LẠY PHẬT

 

Ới Trời, ới Phật… từ tâm

con nào có muốn ôm nhầm thị phi

ới Đời… mê bước mải đi

lỡ chân dẫm nát sân si…

chẳng ngờ !  

 

VÔ ĐỀ

ra đường…

ngộp tóc em bay

về nhà…

ngộp thở ngất ngây đứng ngồi

 

 

 

Hoạ sĩ Doãn Quốc Vinh 

 

Suốt thi tập tác giả chỉ dùng đoản thơ, nhưng ý nghĩa rõ ràng nói lên đại ý của bài. Tôi nhớ nhà văn hay giáo sư văn chương Nguyễn Thanh Liêm cho là một bài thơ hay có thể ở dạng ngắn gọn mà xúc tích ý, thi vị và ẩn chứa hồn thơ. Thật vậy chỉ vài câu thơ đủ nói lên ý mà thi nhân muốn bộc lộ hay tâm tình tôi cho là thành công.

 

 

Xin hân hạnh giới thiệu thi tập: Lục Bát Tùy Bút, dầy hơn 200 trang, không ghi giá bán. Liên lạc tác giả qua email:  dv.gallery@yahoo.com

 

 

Trần Việt Hải

email: viethai712@yahoo.com

 


 

Việt Hải Los Angeles

 

 

 

         

 

Thơ và Truyện của Việt Hải               |                 www.ninh-hoa.com