Thơ và Truyện của Việt Hải           |                 www.ninh-hoa.com



 

 Tên thật:
T
rần Việt Hải

  Sáng tác nhiều thể loại
  Văn, Thơ, Biên Khảo,...
   tại hải ngoại.
     

 



  Hiện cư ngụ tại
     Los Angeles - USA

 

 

 

 


  

Duyên Nợ ĐỜI NHAU
Hoàng Nam Trần Việt Hải

 

Cuộc đời là một sự nối tiếp miên viễn từ thế hệ này sang thế hệ khác, xã hội loài người lầm lỡ từ khi cụ ông Adam lỡ xơi quả táo tại khu vườn Eden vì khi bụng đói meo gây nên hậu quả cụ bà Eva phải vất vả sinh sản giữ sự truyền giống con người. Kể từ sau khi hai ông bà cụ lầm lỡ khiến cái truyền thống lầm lỡ đó kéo dài đến tận thế kỷ 21, con người vẫn suy tôn việc làm của ông bà là chính đáng. Khi người nam đến với người nữ thì quả táo duyên định đó sẽ có nhiều hấp lực của một tình yêu nam nữ để rồi đưa đến duyên nợ cuộc đời.

 

 

Bài viết này cố gắng trình bày những câu đồng dao thịnh hành hay những vần thơ phổ thông trong dân gian về tình yêu trai gái, về sự gắn bó nam nữ qua câu vè nông thôn, câu ru đồng quê, câu hò dân gian, ... hay tất cả cho sự góp nhặt "Duyên Nợ Đời Nhau".

Khi một người nam thương một người nữ, anh ta hứa hẹn nhiều đem con tim nồng nàn trao cho nàng qua câu ca dao tỏ sự hy sinh cho cuộc tình thắm thiết bất kể những trở ngại, khó khăn của thiên nhiên:
"Thương em mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua"

hay một tình yêu thách đố những thiên tai cản trở trước mặt để đôi trai gái có thể đến với nhau:
"Thương em chẳng ngại đường xa,
Phong ba bão táp đôi ta một lòng"


Khi tình yêu đến thì mọi vật thể, mọi thứ liên quan đến đối tượng ta yêu dễ dàng được chấp nhận như trong câu vè:
"Thương nhau thương cả đường đi,
Thương nhau thương cả tông chi họ hàng"

Đó là khi yêu nhau, nhưng cuộc sống có mặt trái tương phản khi người ta giận nhau hay ghét nhau, người ta ghét lây tất cả những gì của nhau như:
"Ghét nhau ghét cả đường đi,
Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng"


Để kết hợp hai sự kiện thương và ghét, người ta lại vè:
"Thương nhau thương cả đường đi,
Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng"

Tương tự với ý tưởng trên, người ta diễn tả sự kiện mâu thuẫn trong tình yêu khi thương hoặc khi ghét như sau:
"Thương nhau thương cả đường đi,
Ghét nhau ghét cả đường đi lối về"

Lại nữa trong cùng ý nghĩa như vậy, người ta thường nghe câu tục ngữ ví von về sự thương và ghét như sau:
"Thương nhau củ ấu cũng tròn,
Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng méo"

Rồi khi gặp nàng là một phụ nữ duyên dáng, chàng trai tự hỏi thầm lòng mình về ba điều khúc mắc trong tình yêu là: duyên, nợ và tình:
"Một duyên, hai nợ, ba tình,
Chiêm bao lẩn quẩn bóng hình năm canh"

Ngày xưa tục lệ nhuộm răng đen là một hình thức làm đẹp, nếu trong nam có những phụ nữ bọc nhiều răng vàng như hình thức trang sức quý phái thì ngoài bắc phụ nữ theo thời trang nhuộm răng đen:
"Nhìn cô răng khéo nhuộm huyền,
Trông cô xinh đẹp nên duyên vợ chồng"

Với phụ nữ có trang sức răng vàng thì vẽ quý phái đáng yêu chàng gặp một lần rồi trên đường về nhà đếm bước tương tư được ghi nhận như sau:
"Cô kia có mấy răng vàng,
Cô cười duyên dáng dặm ngàn nhớ nhung"

Chàng trai nhìn người đẹp rồi lại ngại ngùng chẳng dám nhìn lâu như:
"Ngó em chẳng dám ngó lâu,
Ngó sơ chút xíu đỡ sầu mà thôi"

Rồi chàng gợi lòng như lời mở lòng, như lời tâm sự lòng yêu thương vô bờ bến, yêu nàng hơn gấp trăm ngàn lần nàng yêu chàng:
"Có ai hiểu được lòng tôi,
Nàng yêu chút xíu riêng tôi vô vàn,
Thương nàng gấp mấy trăm ngàn,
Con tim trăn trối trao nàng từ lâu"

Mang hồn tương tư người đẹp, người nam nêu lời hỏi đối tượng câu ca dao tình yêu:
"Đôi ta duyên nợ hay tình
Dù không duyên nợ thay tình kết giao"

Nàng đẹp kiêu sa đối đáp chẳng vừa:
"Phải duyên áo rách chẳng màng,
Không duyên áo gấm, nút vàng chẳng ham"

Chàng trao lời qua câu vè tình ý qua từ ngữ đồ gốm quý gia vùng Bát Tràng trao nhau:
"Thử duyên ai biết sẽ màng,
Biết đâu duyên nợ Bát Tràng đôi ta!"

Người con gái khi phải lòng thốt lên lờ tình tự dễ thương:
"Phải duyên phải kiếp chuyện mình,
Duyên em chấp nhận chuyện tình em trao"

Nếu thương đậm đà hơn, tình nồng nàn hơn người con gái tỏ lòng qua câu hò:
"Bậu ơi có thấu lòng này,
Đêm về thấy bậu tháng ngày thương thương"

Khi tình yêu đến, chàng say đắm bóng hình người đẹp, chàng vốn là thi sĩ níu áo nàng tỏ tình trên vạt áo:
"Nàng về ta chẳng cho về,
Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ"

Người thi sĩ làm bài thơ phân biệt rỏ ràng về tình cho cha mẹ và tình cho chàng:
"Rành rành ba chữ phân minh,
Chữ trung, chữ hiếu chữ tình là ba,
Chữ trung thì để phần cha,
Mẹ cho chữ hiếu, cho ta chữ tình"

Người con trai nhất định, quả quyết mối tình chín chắn như đinh đóng cột qua câu hò thôn dã:
"Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Duyên ta đóng cọc, nợ tình trăm năm"

Trong mối tình dân dã, đồng quê Việt Nam vô cùng đẹp khi đơi trai gái hẹn hò dưới ánh trăng rằm tình tự hay bên đồng lúa vàng:
"Trời cho một ánh trăng vàng,
Bậu cho bóng mát mênh mang hẹn hò"

Mùa lúa chín vàng hay tình chín nở hoa của đôi tình nhân trong câu hò đồng giao:
"Anh gom lúa chín ngày mùa,
Em như vựa lúa trẩy mùa yêu đương"

Tát nước đồng ao hay gánh nước làng quê cũ cho cơ hội trai gái gặp nhau và yêu nhau, người tình in bóng nước để chàng trai si tình:
"Hôm qua tát nước đầu ao,
Cho tôi bóng nhớ tình trào bâng khuâng"

Gánh nước giếng là một sinh hoạt đồng quê khi người con gái liễu yếu thân gầy quầy gánh nước về cho gia đình, chàng trai theo tán tỉnh:
"Thương em nặng gánh vai gầy,
Em ơi hãy để anh quầy nước cho"

Hừng đông dưới ánh trăng thôn dã tờ mờ người con gái gánh nước đi ngang nhà chàng trai, hình như cơ duyên kỳ ngộ của chuyện tình gánh nước chớm nở theo vần ca vè:
"Sớm mai gánh nước tờ mờ,
Đi ngang ngõ trước tình cờ gặp anh"

Câu trên là ngõ trước, còn chuyện tình sau hè bên hàng khế ngọt cũng chẳng kém lãng mạn như cơ hội đã đơm bông:
"Gió đưa hàng khế sau hè,
Nhìn nhau anh hát câu vè thương em"

Rồi buổi hẹn bên vườn cau, những lời tự tình nồng nàn khác được trao đổi giữa đôi trai gái:
"Vào vườn hái quả cau xanh,
Chẻ ra làm tám mời anh xơi trầu"

Dù mời trầu nhưng nàng lại e chàng say vì vị nồng cay của trầu:
"Trầu này nếu có vị say,
Dù nóng, dù chát, dù cay, dù nồng,
Dù chẳng nên vợ nên chồng,
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương"

Chúng ta nếu có rung cảm trước những mộc mạc, bình dị của mối tình đồng quê Việt Nam, và nếu chúng ta thật sự thông cảm với cái nét thật thà, chất phác của tình yêu trai gái qua ruộng vườn quê hương thì hãy chia sẻ mối tình đồng quê:
"Chia tay bên nhánh mãng cầu,
Anh đi em ở lệ sầu rưng rưng"

Hay người con trai được người con gái yêu thương dâng chén cơm nấu bằng gạo có hương thơm ngào ngạt để lòng chàng mê mẩn mối tình Nàng Hương Chợ Đào:
"Em trao chén gạo người thương,
Anh về lưu luyến Nàng Hương Chợ Đào"

Người con trai nuôi mộng tình chờ đời người yêu để rồi tình không được đáp ứng như ý muốn:
"Nắng mưa cực khổ anh chờ,
Qua cầu anh đợi bây giờ em quên"

Khi người yêu bỏ đi lấy chồng tức tình không có duyên nợ thì những vần thơ hứa hẹn kiếp sau:
"Kiếp này đã lỡ tơ duyên,
Kiếp sau duyên nợ mộng tuyền bên nhau"

Còn nếu đôi trai gái thật sự có duyên, có nợ trong kiếp sống hôn nhân, chúng ta hãy nghe cầu vè quen thuộc:
"Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra"

Hoặc như một câu vè rất phổ thông khác nói lên mối tình nghiã vợ chồng khi sống chung yêu nhau và quen hơi, quen mùi của nhau:
"Chim khuyên ăn trái nhãn lồng,
Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi"

 


N
ói tóm lại chủ đề tình yêu qua ca dao Việt Nam vẫn còn nhiều lắm, bàng bạc trong dân gian mà hình như chưa có quyễn sách nào có thể gom góp lại hết. Bài viết này chỉ ghi nhận một vài nét tượng trưng cho những nét đẹp trong văn chương dân gian Việt Nam có những vần thơ chân chất, mộc mạc nói về tình yêu và duyên nợ nếu trái đất còn xoay, quả táo tình yêu nguyên thủy của người nam và người nữ còn yêu thương nhau sẽ mãi đong đầy trong con tim nhân loại.

 

 

Việt Hải, Los Angeles


 

 

 

Thơ và Truyện của Việt Hải               |                 www.ninh-hoa.com