|
TIỄN
MẸ
Việt Hải

Sáng
sớm thứ bảy mùa hạ trời bên ngoài vẫn âm u, tôi chợt mình thức giấc, chồm
tay vặn chiếc radio trên đâu giường để đón nghe chương trình "Diễn
đàn thính giả" của đài Saigon Radio
Hải Ngoại trên làn sóng 106.3FM như thông lệ. Thường thì vào giờ này tôi
nghe cả hai giọng xướng ngôn viên Lê Thanh Tùng và Nhất Phương, nhưng hôm
nay tôi chỉ nghe một giọng nam trong nỗi bùi ngùi thật xúc cảm. Vâng,
giọng nói đó của anh Hoàng Dũng Nguyễn Hữu Mãnh, phu quân của chị Nhất
Phương, anh cho biết chị Nhất Phương vắng mặt vì phải về bên nhà tiễn mẹ
ra đi, đoạn anh đọc một bài viết loại tùy bút kỷ niệm mà chị Nhất Phương
(NP) kể lại những tâm tình khi bác gái còn sinh tiền, bác sang Mỹ đoàn tụ
ở với vợ chồng anh chị. Những kỷ niệm được chị cô đọng vào bài viết ngắn
thật cảm động, mà tôi còn nhớ dưới tựa đề: "Hương
Chanh và Mẹ", chị NP viết về niềm
hạnh phúc đơn giản ra hái chanh vườn sau, cây chanh chị trồng là một giống
chanh xanh như bên nhà và chị đặt cho nó một mỹ danh cây Mimosa, dòng văn
bắt đầu:
"Giữa mùa Thu. Trời ui ui nắng.
Lá xanh hanh hanh vàng. Gió lay gờn gợn cỏ hoa như tiếng ru êm ngàn năm
của Mẹ. Lâu lắm chúng tôi mới có được một khoảng trống cuối tuần hoàn toàn
tự do, để thưởng thức thật toàn vẹn bầu không khí rộn ràng với gia đình,
và cũng để được nấu ăn cùng Mẹ".
Hương
chanh là một kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ còn sót trong ký ức khi nhìn mẹ
phải miệt mài phấn đấu với nỗi cô đơn, quạnh hiu khi mang nỗi buồn viễn xứ
và đồng thời vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo:
"Tôi rủ Mẹ tôi ra vườn hái chanh.
Mùa này chanh chín rộ. Mẹ tôi mang guốc mộc, quần đen áo vải hoa tim tím,
màu Gia Long một thời. Tóc Mẹ trắng chẳng thua gì tóc Ngoại thuở thanh
bình trên quê hương xưa, lâu lắm rồi. Sức khỏe của Mẹ tôi mấy lúc gần đấy
suy tàn dần. Tôi biết rõ căn bịnh của Mẹ tôi càng ngày càng trở nặng. Tôi
lo lắng triền miên cho mọi sự bất trắc. Trên quãng đường sinh lão bịnh ...
Mẹ tôi cũng đang đi giữa mùa Thu êm đềm, chấp nhận một cách thản nhiên nỗi
gập ghềnh của niềm hạnh phúc thật đầy, và cũng thật tội nghiệp. Tôi so
sánh sự vắng mặt Mẹ với hiện tượng nhật thực, và chợt bừng lên ý nghĩ "
thế giới sẽ ra sao khi trần gian thiếu hẳn ánh mặt trờỉ".
Đoạn
cuối bài văn mô tả cảm nghĩ bâng khuâng khi NP cố nén lòng để chập nhân sự
kiên đau thương cảnh chia lià là mẹ về với quê hương, con ngồi đây sẽ nhớ
mẹ vô biên:
"Tôi nhìn Mẹ thật lâu để
cảm nhận niềm hạnh phúc lớn lao khi còn có Mẹ. Mẹ tôi thật sự là người dân
chất phát của miền Phù Sa Sông Cửu. Tôi thương nét quê mùa nhòa nhạt quyện
hương chanh. Mẹ quên đội nón khi nghe lời rủ rê của tôi nên tóc Mẹ và hoa
chanh cùng trắng xóa. Màu sắc thanh khiết nầy làm tôi liên tưởng đến "mái
tóc độc quyền" của nữ thi sĩ Hoài Thi, cựu hoa hậu xứ "sầu riêng hai
góc trồng chung, vàng rơi xuống mộng không cùng ... ngẩn ngơ". Tôi ngẩn
ngơ nhìn Mẹ cúi lượm từng trái chanh lăn tròn dưới đất. Một phút giây của
sự sống qua đi là mỗi giây phút tiến gần đến cõi vô cùng. Tôi muốn không
gian tồn đọng mãi mãi để tôi ngắm nhìn Mẹ đang khỏe mạnh, tươi cười với
tôi. Tôi tưởng tượng ra cảnh biệt ly giữa những người thương yêu nhau,
cùng lúc với giọt nhựa rưng rưng từ cuống chanh tươi tắn, vừa rơi xuống
... rất âm thầm ".
Cách
đây không lâu tôi có viết bình bài "Về Dưới Hiên Xưa" cho thi sĩ Song Vinh,
tôi đan cử ví dụ về bà mẹ của ba miền đất nước qua thi ca. Hôm nay nhân
bài viết này tôi xin được kể lại. Bạn tôi, thi sĩ Song Vinh kể về bà mẹ
miền bắc Phủ Lý của anh qua thi ca:
"Con đốt nén nhang khấn mẹ hiền,
Rưng rưng dòng lệ khóc mẹ yêu"
Rồi một người bạn khác, thi sĩ
Yên Sơn nhớ về bà mẹ miền trung Mộ Đức của anh:
"Mẹ về giọt nắng rưng rưng
Đậu trên nón lá mắt quầng thâm hơn"
Riêng
với thi sĩ Nhất Phương chị ngậm ngùi theo vần ca dao của ngoại năm xưa,
câu hò nam bộ về bà mẹ miền nam Giồng Trôm, Bến Tre:
"Chim xa bầy thương cây nhớ cội
Con tiễn mẹ rồi ngàn giọt lệ rơi!"
Tôi
còn nhớ chị Nhất Phương có gởi biếu tôi quyển sách của chị viết mang tên "Cỡi
Sóng", một phần chính trong sách chị dùng để tri ân thân mẫu của mình,
trong trang thứ 4 của sách là bức hình của bác gái, tức thi sĩ Hoài Thi
với 4 câu thơ như sau:
“Khi mẹ bằng tuổi con
Phai tàn theo nước non
Sá gì đâu nhan sắc
Lòng mẹ chẳng hao mòn”
(Nhất Phương )
Tôi
giở đến trang 33 có bài văn xuôi chị viết gợi về kỷ niệm giữa hai mẹ con.
Đây là bài viết chuyên chở đượm đầy tình mẫu tử mà tôi rất cảm kích. Bài
có tên "Bụi Khóm Vườn Sau",
chị mở đầu bằng mấy dòng tâm sự mà khi đọc lên người đọc có thể hiểu nỗi
lòng của NP, một vai gánh giang sơn tổ quốc và vai kia gánh mẹ hiền kính
yêu:
"Ở đời sống phù du và duy nhất này, tôi chỉ có một tổ quốc để trung
thành và một mẹ già để yêu thương. Xin cảm thông cho tôi được viết nhiều
về mẹ tôi thêm chút nữa".
Truyện
bắt đầu về ngày Tết Nguyên Đán tại Hoa Kỳ, cái hạnh phúc đoàn tụ gia đình
qua mâm ngũ quả và niềm vui gia đình là sự xum họp quanh quần bên mâm cơm,
người mẹ của NP vốn biết ý chàng rể thích món canh chua khóm bạc hà nấu
với cá kết, tức cá catfish. Sau nồi canh chua khóm bà mẹ để dành lại cái
đầu khóm xanh để trồng ở vườn sau, cạnh bụi hoa dạ lý hương. Thời gian qua
bụi khóm đã vươn mình hạp với phong thổ vườn sau. Mẹ chị NP đã ví bụi khóm
vươn lên sống với đất lạ Hoa Kỳ cũng như bao người Việt trẻ đến xứ này
vươn trong xã hội mới. Rồi ngày ngày bà chăm sóc bụi khóm như niềm hạnh
phúc gợi nhớ quê xưa. Dù thể xác bà sống tại đây nhưng tâm hồn đã chôn
chặt dính liền với cố hương bên kia bờ Thái Bình Dương. Mỗi khi đọc báo
cho biết thiên tai bão lụt hoành hành tàn phá quê hương Việt Nam bà xo’t
xa và đau lòng cho người dân trong nước. Tôi đọc tiếp đoạn văn kế của bài
"Bụi Khóm Vườn Sau"
trang 38:
"Mùa hè vẫn hừng hực nửa góc vườn
sau, khi những bông lựu kết nhụy từng chùm như hoa nắng, hứa hẹn trái tươi
sẽ trĩu nặng oằn cành. Lúc chưa quyết định trồng gì, tôi thường miên tưởng
ra màu đỏ thẩm của tàng cây phượng vĩ bên hông trường Gia Long vào những
năm hoang tàn chinh chiến... màu hoa phượng rất êm đềm, dể trở thành hoa
bất tử". NP vẫn liên kết, vẫn hoài niềm từ ngôi nhà hôm nay để trở về với
kỷ niệm đã qua, và vườn sau được xanh tươi cho cây trái xum xuê cũng nhờ
công người mẹ chăm sóc: "Mẹ tôi có thói quen hay dùng cơm chiều rất sớm để
có đủ thì giờ tản bộ ở vườn sau... Bụi khóm của mẹ tôi chắc được hạ thổ
đúng ngày mùng bảy Tết âm lịch, âm dương trời đất hài hoà nên lá con đã
bắt đầu khép nép bên vành tai lá mẹ. Chúng tôi âm thầm theo dõi sự phát
triển gần như sự an bài bởi tạo hóa, nhen nhúm vươn lên cả một mầm sống
dường như đã bắt đầu trong hoang tưởng. Mẹ tôi đúng là mẫu người được sanh
ra ở "miệt vườn miệt trẻo" như bà hằng hảnh diện, biết tưới nước bón phân
cách nào cho cây cối đâm chồi nẩy lộc tốt tươi. Có Mẹ, tôi có mọi sự bình
yên, no đủ bởi kinh nghiệm bạc vàng. Mẹ truyền dạy trong mọi vấn đề. Chỉ
tội cho Mẹ, vì cứ nắm níu bờ cau ruộng lúa suốt bao năm đạn bom dội xuống
quê nhà nên khả năng thính giác mất dần theo tuổi tác...".
Điều
trên cho ta thấy rằng người dân nông thôn miền quê Việt Nam quyến luyến
với quê cha đất tổ dù bao gian nguy của chinh chiến thời cuộc hay sự đe
doạ của thiên tai, quê hương vẫn đong đầy trong tim của họ. NP viết tiếp:
"Mỗi
ngày thức dậy mẹ đếm chuỗi thời gian hao mòn trên đầu bụi khóm vừa ươm
tươi tốt. Tôi biết Mẹ mong cho mau tới Tết. Không phải Tết để dựng Nêu ăn
chè như ở hội cổng làng quê ngày cũ, mà hết Xuân tất nhiên trời nắng hạn.
Vì mùa hạ tôi hứa để Mẹ trở về thăm lại quê hương".
Cái
quyết định mẹ con xa nhau là nỗi khó khăn trải dài trong tâm tư NP, nhưng
thực tế bịnh hoạn dày vò thân xác mẹ mình và điều bà ao ước được yên nghỉ
trên quê hương là con đường duy nhất mà NP phải chìu theo ý mẹ , chị viết
thêm: " Tôi phấn đấu với bản thân mình cam go trước khi quyết định "trả Mẹ
lại quê nhà". Mẹ đến nơi này vì chúng tôi. Nhưng tôi chưa làm gì được cho
Me. Tôi nhốt Mẹ trong bức tường cao ngăn cách với loài người bởi sự bất
đồng ngôn ngữ và tuổi tác. Mẹ như con chim quí, ngự ở lồng son hót những
tiếng đau thương hờn tủi. Mẹ bị tù túng, Mẹ bị giam lỏng ngay giữa bầu
không khí tự do lớn nhất nhất quả địa cầu. Bởi thế tôi đem quê hương cất ở
vườn sau cho Mẹ, quanh gốc cây quít đường trồng đã nhiều năm chưa kết trái
lần nào. Nếu có chăng là trái đèo, trái đẹt, hoằn hoại nhớ phù sa Sông
Tiền, Sông Hậu hay Cửu Long mình."
Lời
người mẹ trút sự trung thực nỗi lòng về cảm nghĩ quê hương để diễn giải
những u uẩn nội tâm như sau: "Lòng
ai cũng có một quê hương" nên điều
mong mỏi nhất của lớp tuổi già như Má chỉ mong được an nghỉ lần cuối cùng
nơi chôn nhau cắt rún. Nếu vì hoàn cảnh tương lai con cái, các con phải
nhận nơi này làm quê hương thứ hai, âu cũng là duyên số. Riêng Má, Má chỉ
có một quê hương duy nhất trung thành, nên Má không muốn tuyên thệ với bất
cứ quốc gia nào khác..."
Rồi
NP viết những dòng tiễn mẹ trong nỗi ngậm ngùi phân ly:
"... Chúng tôi mỗi người nằm trong quỹ đạo
biệt ly, người xa người tội lắm. Nước mắt chảy xuống để tiễn đưa Mẹ về với
quê hương. Nước mắt chảy xuống để tưới lên những mầm non xanh tươi hy vọng
ở vườn sau. Nơi đó bàn tay gầy yếu của mẹ hiền đã gầy dựng thêm cho chúng
tôi một khung trời quê hương nơi hải ngoại".
Thật
ngậm ngùi trong ý nghỉ của tôi khi hình dung chị Nhất Phương lê bước chân
tiễn mẹ về quê hương Việt Nam thân yêu hay ở một hoàn cảnh bi thương hơn
khi nước mắt tuôn rơi hay để tiễn mẹ về an nghỉ ngàn thu bên kia thế giới:
"Chim xa bầy thương cây nhớ cội
Con tiễn mẹ rồi ngàn giọt lệ rơi!"
Trần Việt Hải
Los Angeles
* Bài viết này thay lời chúc lành tiễn đưa bác về nơi an nghỉ ngàn thu.
VHLA.

|