CHÙA  THIỀN  SƠN

các chùa khác  |  www.ninh-hoa.com

 


Chùa Thiền Sơn tọa lạc dưới chân hòn Ðộc Sơn (hòn Một) thuộc thôn Trường Lộc, xã Ninh Hưng, huyện Ninh Hòa.

       Năm khai sơn: không rõ

       Tổ khai sơn: Hòa thượng Nhơn Sơn, húy Trừng Nghệ, tự Thiện Tinh.

       Năm trùng tu: 1964, 1994, 1998.

       Từ năm 1999 đến nay không có thầy trụ trì.

Trung tâm Quản lý Di tích Danh Lam Thắng Cảnh Khánh Hòa năm 2001 công nhận chùa Thiền Sơn là một trong 5 ngôi chùa di tích lịch sử ở Ninh Hòa.

Gần chùa có một cái hang to lớn trông giống như 1 bàn chân khổng lồ nào đó đã dậm lún sâu xuống đá, được dân chúng gọi là "Bàn chân Ông Khổng Lồ". Hang luôn luôn có nước, người địa phương đến múc nước uống gọi đó là "Giếng Ông Khổng Lồ". Trước chùa có 1 trảng mây đất trũng thấp rộng tới 5, 6 chục mẫu ta, gọi là Lỗ Mây, do đó chùa Thiền Sơn được gọi là Chùa Lỗ Mây.

Hòa thượng Trừng Nghệ hiệu Nhơn Sơn sinh năm 1888, quê Bồng Sơn, Bình Ðịnh, thế danh Nguyễn Phát, còn gọi là Nguyễn Bồng. Ngài dẫn mẹ, chị và gia đình... vào Lỗ Mây, Ninh Hòa để khẩn hoang. Ngài có nước da ngâm đen, người tráng kiện, võ nghệ cao cường. Sau xuất gia qui y Tổ Phước Tường tại chùa Thiên Bửu Thượng được Tổ thương mến vì đạo hạnh khắc khổ của ngài.

Ngài về Lỗ Mây khai sơn chùa Thiền Sơn nhưng không rõ năm nào.

Năm 1932, Tổ Phước Tường viên tịch, Ngài tự nguyện ngồi Tháp Tổ tư lư suốt 100 ngày ngoài trời bất kể nắng mưa, ai đi ngang qua cũng lấy làm kinh ngạc.

Ngài thường vân du đây đó vài ba tháng mới về chùa 1 lần, có khi về ngồi ngoài Tam Quan rồi lại đi nữa. Ngài thường lên ẩn tu tại Hòn Một, Hòn Lớn. Ăn uống giản dị, một nắm cơm khô, 1 nắm gạo rang... Mẹ già và người chị của ngài đều tu tại chùa Thiền Sơn. Thân mẫu ngài qua đời ngày 25 tháng Chạp ÂL năm 1935, ngài về thọ tang và cũng ngồi mã tư lư cho đến ngày mãn tang là 2 năm tròn người gầy như cây sậy và đen như mun. Mãn tang mẹ, ngài gọi các môn đệ đến bên khuyên nhủ hãy bền tâm khắc khổ tu học và cho biết ý nguyện muốn xả thân cầu Ðạo của ngài tại núi Ðá Bàn trong vòng 100 ngày. Trước phút chia tay bịn rịn, đệ tử xúc động không cầm được nước mắt, ngài lên đường tay xách 1 chiếc va li nhỏ bằng mây. Trên đường ngài dừng chân tại làng Quảng Thiện, xã Ninh An thế độ cho một cư sĩ cải gia lập tự đặt tên là chùa Long Thọ.

Ngài ngồi thiền định 100 ngày tại gộp Ông Hiệu, núi Ðá Bàn, không sợ thú dữ, chỉ ăn hoa cỏ.

Ðêm 17 tháng Ba năm Mậu Dần (1938) có 1 tia sáng lóe lên từ núi Ðá Bàn bay xẹt qua Hòn Lớn với 3 tiếng nổ lớn đến nỗi làm cho những người đi địu tìm trầm gần đó hoảng sợ. Chiều hôm sau có 1 nhóm người tìm đến gộp đá Ông Hiệu, đó là những đệ tử của ngài, nhưng ngài đã viên tịch rồi, pháp thể vẫn ngồi rong tư thế kiết già trên 1 tảng đá. Các đệ tử làm lễ hỏa táng ngài tại chỗ rồi lấy tro bỏ vào chiếc va li mây đem về nhập Tháp tại Thiền Tôn Tự. Sau này, đệ tử là Thượng Tọa Hạnh Hải tân tạo bảo tháp ngài tại Thiên Bửu hạ.

Ngài có truyền giới cho 3 anh em Thượng Tọa Hạnh Hải-Tâm Phước, Hạnh Ðịnh-Tâm Tại và Tâm Ðường theo dòng kệ Liễu Quán.

Ngôi chùa Thiền Sơn trước kia ngài có cúng cho sư phụ là Tổ Phước Tường, nên được gọi tên là "Phước Thiền Sơn Tự".

Sau khi ngài viên tịch, Hòa Thượng Nhơn Trì, húy Trừng Hàng, là đệ tử Tổ Phước Tường tục danh là Ông Sáu Chỉ, người Bình Ðịnh kế thế trụ trì chùa.



VINH HỒ sưu tầm (Orlando 10-5-2004)

- Căn cứ “Lược Sử Chùa Thiên Bửu" tập chép tay năm 1993 cùa Ban Hộ Tự và Tổ Sử Chùa Thiên Bửu.

- Tham khảo "Xứ Trầm Hương" của Quách Tấn.

* Những bài viết của Vinh Hồ về các ngôi chùa ở Ninh Hòa đăng trên Ninh-Hoa. Com trong điều kiện khó khăn và hạn chế về sử liệu, nếu có điều chi nhầm lẫn thiếu sót, kính mong quý Chư Tôn Ðức, quý Vị Trụ Trì, quý Ðạo Hữu... mở lòng từ bi điều chỉnh bổ túc cho, xin đa tạ. VH.